Vườn Quốc gia Cúc Phương (hay rừng Cúc Phương) là một khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng nằm trên địa phận ba tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa. Vườn quốc gia này có hệ động thực vật phong phú đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. Nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn tại đây. Đây cũng là vườn quốc gia đầu tiên tại Việt Nam.
Lịch sử: Vườn quốc gia Cúc Phương là nơi mang những giá trị lịch sử và là một địa điểm khảo cổ. Các di vật của người tiền sử có niên đại cách đây khoảng 12.000 năm đã được phát hiện tại Vườn quốc gia, chứng tỏ con người đã từng sinh sống tại khu vực Cúc Phương từ 7.000 đến 12.000 năm trước. Người ta đã phát hiện một loạt các hiện vật như mồ mả, rìu đá, mũi tên đá, dao bằng vỏ sò, dụng cụ xay nghiền v.v. trong một số hang động thuộc vườn quốc gia này. Gần đây, một phần bộ xương của một loài lưỡng cư biển, rất có thể là thằn lằn cá (Ichthyosaurus spp.) đã được phát hiện ở trong địa bàn vườn. Đây là khám phá đầu tiên của loài này ở Việt Nam.
4 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 3579 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vườn Quốc gia Cúc Phương, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phương nằm ở phía đông nam của dãy núi Tam Điệp, một dãy núi đá vôi chạy từ tỉnh Sơn La ở hướng tây bắc. Dải núi đá vôi này với ưu thế là kiểu karst tự nhiên, hình thành trong lòng đại dương cách đây khoảng 200 Ma. Dãy núi này nhô lên đến độ cao 636 m tạo thành một nét địa hình nổi bật giữa một vùng đồng bằng. Phần dãy núi đá vôi bao quanh vườn quốc gia có chiều dài khoảng 25 km và rộng đến 10 km, ở giữa có một thung lũng chạy dọc gần hết chiều dài của dãy núi.
Địa hình karst ảnh hưởng rõ nét đến hệ thống thủy văn của Cúc Phương. Phần lớn nước trong vườn quốc gia bị hệ thống các mạch nước ngầm chằng chịt hút rất nhanh chóng, nước sau đó thường chảy ra ở những khe nhỏ ở bên hai sườn của vườn quốc gia. Do vậy, không có các ao hồ tự nhiên hay các thủy vực tĩnh nằm trong vườn quốc gia, mà chỉ có một dòng chảy thường xuyên là sông Bưởi. Con sông này nằm ở phía tây của vườn, chảy theo hướng bắc-nam đổ vào sông Mã.
Đa dạng sinh học:Vườn quốc gia Cúc Phương-Việt Nam được chụp từ trên cao, vào lúc hoàng hôn
Thực vật: Thảm thực vật Vườn quốc gia Cúc Phương với ưu thế là rừng trên núi đá vôi. Ở một đôi chỗ, rừng hình thành nên nhiều tầng tán có thể đến 5 tầng rõ rệt, trong đó tầng vượt tán đạt đến độ cao trên 40 m. Do địa hình dốc, tầng tán thường không liên tục và đôi khi sự phân tầng không rõ ràng. Nhiều cây rất phát triển hệ rễ bạnh vè để đáp ứng với tầng đất mặt thường mỏng. Vườn quốc gia hiện là nơi có nhiều loài cây gỗ lớn như chò xanh (Terminalia myriocarpa), chò chỉ (Shorea sinensis) hay đăng (Tetrameles nudiflora), hiện đang được bảo vệ để thu hút du khách thăm quan. Đây cũng là nơi phong phú về các cây gỗ và cây thuốc.
Cúc Phương có một khu hệ thực vật phong phú. Hiện nay, người ta đã thống kê được khoảng gần 2.000 loài thực vật có mạch thuộc 887 chi trong 221 họ thực vật. Các họ giàu loài nhất trong hệ thực vật Cúc Phương là các họ Đại kích (Euphorbiaceae), Hòa thảo (Poaceae), Đậu (Fabaceae), Thiến thảo (Rubiaceae), Cúc (Asteraceae), Dâu tằm (Moraceae), Nguyệt quế (Lauraceae), Cói (Cyperaceae), Lan (Orchidaceae) và Ô rô (Acanthaceae). Khu hệ thực vật ở Cúc Phương là tập hợp yếu tố địa lý thực vật bao gồm Trung Quốc-Himalaya, Ấn Độ-Myanma và Malesia.
Đến nay, đã có 3 loài thực vật có mạch đặc hữu được xác định cho hệ thực vật Cúc Phương là hồ trăn Cúc Phương (Pistacia cucphuongensis), mua Cúc Phương (Melastoma trungii) và cui Cúc Phương (Heritiera cucphuongensis) . Vườn quốc gia Cúc Phương cũng được xác định là 1 trong 7 trung tâm đa dạng thực vật của Việt Nam.
Động vật: Rừng Cúc Phương có hệ sinh thái khá phong phú và đa dạng, gồm 97 loài thú (trong đó nổi bật nhất là các loài khỉ châu Á), 300 loài chim, 36 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư, 11 loài cá và hàng ngàn loài côn trùng. Nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Cúc Phương là nơi sinh sống của một số quần thể thú quan trọng về mặt bảo tồn, trong đó có loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu ở mức đe dọa cực kỳ nguy cấp là voọc quần đùi trắng (Trachypithecus delacouri) và loài sẽ bị nguy cấp trên toàn cầu là cầy vằn bắc (Hemigalus owstoni). Thêm vào đó, loài báo hoa mai (Panthera pardus) là loài bị đe dọa ở mức quốc gia cũng mới được ghi nhận gần đây. Ngoài ra, hơn 40 loài dơi đã được ghi nhận tại đây.
Đến nay, đã có 313 loài chim được xác định ở Cúc Phương. Cúc Phương nằm tại vị trí tận cùng phía bắc của vùng chim đặc hữu vùng đất thấp Trung Bộ, tuy nhiên, chỉ có một loài có vùng phân bố giới hạn được ghi nhận tại đây là khướu mỏ dài (Jabouilleia danjoui). Cúc Phương đã được công nhận là một trong số các vùng chim quan trọng tại Việt Nam.
Nhiều nhóm sinh vật khác cũng đã được điều tra, nghiên cứu ở Cúc Phương trong đó có ốc. Khoảng 111 loài ốc đã được ghi nhận trong một chuyến điều tra gần đây trong đó có 27 loài đặc hữu. Khu hệ cá trong các hang động ngầm cũng đã được nghiên cứu, ít nhất đã có một loài cá được ghi nhận tại vườn quốc gia là loài đặc hữu đối với vùng núi đá vôi, đó là cá mèo Cúc Phương (Parasilurus cucphuongensis). Loài cá này sau đó cũng đã được ghi nhận tại khu đề xuất bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Đến nay đã xác định được 280 loài bướm ở đây, 7 loài trong số đó là các loài lần đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam tại Cúc Phương vào năm 1998.
Các giá trị khác: Vườn quốc gia Cúc Phương là một trong những địa điểm du lịch có tiếng, thu hút số lượng lớn du khách. Do số lượng du khách lớn, Cúc Phương là nơi rất có tiềm năng cho việc nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề môi trường. Tiềm năng này cũng đã được thừa nhận và đã có những hoạt động thực tế được thực hiện ví dụ như Trung tâm Du khách của Vườn quốc gia đã đi vào hoạt động giữa năm 2000. Nó là một trong những điểm quan, cùng với các điểm khác như Tam Cốc - Bích Động, nhà thờ Phát Diệm, cố đô Hoa Lư, khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, v.v. của tỉnh Ninh Bình. Du khách đến đây để khám phá hệ động thực vật phong phú, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên đẹp.
Vườn quốc gia Cúc Phương được ứng cử là di sản thế giới năm 1991 tuy nhiên do hồ sơ còn thiếu sót nên hiện nay vẫn tiếp tục hoàn thiện để được UNESCO sớm công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.Đây cũng là một địa điểm nghiên cứu sinh học và đào tạo cán bộ khoa học: nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh đã tiến hành các khoá học thực địa tại vườn. Trong vườn cũng đã có một Trung tâm đào tạo cán bộ kiểm lâm cho các tỉnh phía Bắc Việt Nam.
Rừng Cúc Phương còn đóng vai trò trong việc điều tiết nguồn nước cung cấp cho các cộng đồng dân cư địa phương. Rừng bảo vệ đầu nguồn hồ chứa nước Yên Quang cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho các vùng lân cận.
Các vấn đề về bảo tồn: Một số loài thú lớn như hổ (Panthera tigris), vượn đen má trắng (Hylobates leucogenys) đã tuyệt chủng ở vườn quốc gia Cúc Phương trong thời gian gần đây. Nguyên nhân chính là do sức ép từ các hoạt động săn bắn và diện tích của vườn là quá nhỏ không đáp ứng được yêu cầu bảo tồn các loài này.
Khi Vườn quốc gia Cúc Phương được thành lập, có khoảng 500 người sống trong các xóm thuộc vùng lõi của vườn quốc gia này. Quyết định số 251/CT ngày 6 tháng 10 năm 1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã yêu cầu di chuyển những khu dân cư này ra ngoài ranh giới vườn quốc gia. Trong giai đoạn di dời đầu tiên, kết thúc vào cuối năm 1990, 6 xóm với 650 người đã được chuyển đến định cư ở vùng bán sơn địa ngoài cửa vườn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 2.000 người sống dọc theo bờ sông Bưởi bên trong vườn. Số dân này cũng đang được lên kế hoạch để di dời. Khoảng trên 50.000 dân sống ở vùng đệm của vườn quốc gia, rất nhiều người trong số họ có cuộc sống phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên bên trong vườn. Lâm sản bị khai thác mạnh nhất là gỗ và củi. Việc thu hoạch ốc, nấm, măng làm thức ăn cũng như việc đi lấy thân chuối làm thức ăn gia súc diễn ra thường xuyên. Hoạt động săn bắn để lấy thức ăn và bán cho dân kinh doanh động vật hoang dã làm suy giảm nghiêm trọng số lượng các loài thú, chim và bò sát trong vườn. Rừng ở vùng rìa tiếp giáp với dân cư đang bị suy thoái nghiêm trọng do việc lấy củi và chăn thả gia súc bừa bãi cũng như bị phát quang lấy đất làm nương rẫy ở một số khu vực.
Vấn đề khác là du lịch. Một lượng lớn du khách đến Cúc Phương hàng năm cũng tạo ra một vấn đề đặc biệt đối với việc quản lý vườn quốc gia. Nước thải, thu hái cây cảnh và ô nhiễm tiếng ồn từ những nhóm du khách quá đông là những vấn đề chưa kiểm soát được. Kế hoạch quản lý của vườn lại quá tập trung vào việc phát triển du lịch và điều này làm giảm hiệu quả của công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Điều này cũng có thể dẫn đến sự phát triển cơ sở hạ tầng du lịch với những những tác động tiêu cực về môi trường. Việc nâng cấp con đường xuyên qua thung lũng trung tâm của vườn sẽ tạo điều kiện cho việc xâm nhập để khai thác lâm sản. Tương tự như vậy, việc xây dựng các hồ nhân tạo trong vườn quốc gia sẽ dẫn đến một số khoảnh rừng bị phát quang và làm thay đổi chế độ thủy văn của vùng.
Một trong những mối đe dọa lớn đến tính đa dạng sinh học của vườn quốc gia này là việc xây dựng đường Hồ Chí Minh chạy dọc theo thung lũng phía tây sông Bưởi với chiều dài khoảng 7,5 km. Ngoài các tác động trực tiếp khi thi công xây dựng, con đường này hoàn thành sẽ làm cho khả năng tiếp cận các khu vực rừng tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác sản phẩm rừng trái phép cũng như trong tương lai các hoạt động tái định cư sẽ được triển khai trong khu vực này. Tuy nhiên một số ý kiến lại cho rằng việc xây dựng con đường này không ảnh hưởng tới môi trường của vườn quốc gia.
Các dự án có liên quan: Hiệp hội động vật học Frankfurt (Zoologische Gesellschaft Frankfurt) cùng Bộ Lâm nghiệp Việt Nam đã thành lập Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng nguy cấp (EPRC) ở Cúc Phương năm 1993 nhằm nuôi nhốt, gây giống và nghiên cứu đối với các loài vượn, cu li và voọc của Việt Nam. EPRC nhận linh trưởng từ các cơ quan nhà nước tịch thu từ những đối tượng buôn bán trái phép động vật hoang dã để chữa trị và chăm sóc tại Trung tâm.
Cúc Phương cũng là nơi triển khai dự án sinh sản, sinh thái của loài cầy vằn bắc và chương trình sinh thái học và bảo tồn rùa. Hai chương trình này triển khai nhằm thiết lập các trại nhân nuôi sinh sản quần thể của các loài động vật bị đe dọa trên toàn cầu, hiện đang bị tình trạng buôn bán động vật hoang dã đe dọa. Dự án bảo tồn Cúc Phương (CPCP) đã được Tổ chức Bảo tồn Động Thực vật hoang dã Quốc tế thực hiện từ năm 1996 đến năm 2002. Phối hợp với các tổ chức hữu quan tại Việt Nam, FFI chương trình Việt Nam đã thực hiện dự án do World Bank và GEF tài trợ có tên gọi là "Dự án bảo tồn cảnh quan núi đá vôi Pù Luông-Cúc Phương" trong giai đoạn 2002-2005. Mục tiêu của dự án này nhằm bảo vệ vùng núi đá vôi tại Pù Luông-Cúc Phương cũng như các loài hoang dã sống trong khu vực thông qua việc thành lập một khu bảo vệ mới, tăng cường các hệ thống bảo vệ hiện có và tăng cường năng lực cho các đơn vị liên quan. Dự án còn tăng cường hiện trạng bảo tồn các loài voọc mông trắng (Trachypithecus spp.) và kêu gọi, xây dựng sự ủng hộ từ cộng đồng trong công tác bảo tồn vùng núi đá vôi.
File đính kèm:
- Vuon Quoc gia Cuc Phuong.doc