Như chúng ta đã biết, trong quá trình dạy học luôn tồn tại ba yếu tố có quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với nhau đó là: nội dung, phương pháp và phương tiện dạy học. Trước đây, do thiết bị dạy học còn ít (thường do giáo viên tự chế tạo), chưa được sử dụng rộng rãi, nên nó bị hòa tan vào phương pháp dạy học và chưa tồn tại như một yếu tố riêng biệt của quá trình dạy học. Trong những năm gần đây, thiết bị dạy học được sản xuất ngày càng nhiều và đã trở thành một yếu tố quan trọng trong quá trình dạy học đặc biệt là ở bậc tiểu học.
5 trang |
Chia sẻ: lantls | Lượt xem: 2374 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số yêu cầu khi sử dụng đồ dùng dạy học môn toán lớp 1, 2, 3, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Một số yêu cầu khi sử dụng đồ dùng dạy học
môn Toán lớp 1, 2, 3
Th.S. Quản Hà Hưng
Khoa Giáo dục Tiểu học – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Như chúng ta đã biết, trong quá trình dạy học luôn tồn tại ba yếu tố có quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với nhau đó là: nội dung, phương pháp và phương tiện dạy học. Trước đây, do thiết bị dạy học còn ít (thường do giáo viên tự chế tạo), chưa được sử dụng rộng rãi, nên nó bị hòa tan vào phương pháp dạy học và chưa tồn tại như một yếu tố riêng biệt của quá trình dạy học. Trong những năm gần đây, thiết bị dạy học được sản xuất ngày càng nhiều và đã trở thành một yếu tố quan trọng trong quá trình dạy học đặc biệt là ở bậc tiểu học.
Một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy học ở tiểu học là đổi mới phương tiện dạy học, khuyến khích sử dụng và khai thác triệt để các đồ dùng dạy học. Việc sử dụng các thiết bị dạy học đặc biệt quan trọng với môn Toán ở giai đoạn đầu của cấp tiểu học (lớp 1, 2, 3).
Qua thực tế dạy học tại các trường tiểu học, phần lớn các giáo viên đều có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của đồ dùng trực quan trong quá trình hình thành kiến thức toán học cho học sinh ở giai đoạn 1. Chính vì vậy họ không những sử dụng tốt và hiệu quả các bộ đồ dùng được cung cấp trong môn Toán mà còn phát huy khả năng hoạt động độc lập, tích cực, sáng tạo của học sinh trong quá trình dạy học. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận giáo viên do chưa nắm hết ý nghĩa, vai trò, tác dụng cũng như một số yêu cầu cơ bản khi sử dụng đồ dùng dạy học môn Toán ở giai đoạn 1 nên khai thác chưa triệt để, còn nhiều hạn chế, thậm chí còn không sử dụng vì e ngại hoặc sợ mất thời gian ...
Để việc sử dụng các thiết bị dạy học môn Toán ở các lớp đầu cấp đạt hiệu quả cần tuân thủ một số yêu cầu nhất định. Bài viết này xin mạnh dạn đưa ra một số ý kiến xung quanh việc sử dụng đồ dùng dạy học môn Toán ở giai đoạn 1 nhằm giúp giáo viên tiểu học sử dụng các bộ đồ dùng dạy và học toán dễ dàng hơn, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
Việc sử dụng đồ dùng dạy học môn Toán ở giai đoạn 1 cần đảm bảo một số yêu cầu sau:
* Thứ nhất: Phải quan niệm đúng về việc sử dụng đồ dùng dạy học.
Mục đích chủ yếu của việc sử dụng các đồ dùng dạy học môn Toán là tạo ra chỗ dựa trực quan để phát triển tư duy, để dạy các nội dung toán học trừu tượng và khái quát. Vì vậy các đồ dùng dạy học được sử dụng phải phản ánh và thể hiện rõ ràng các dấu hiệu bản chất của nội dung dạy học.
Ví dụ: Khi hình thành cho học sinh biểu tượng ban đầu về các hình hình học như hình vuông, hình tròn, hình tam giác thì đồ dùng trực quan để giới thiệu cho học sinh lớp 1 dù là vật thật hay mô hình, tranh, ảnh ... phải có dạng là hình tương ứng. Điều này giúp học sinh có biểu tượng đúng và chính xác, tạo điều kiện thuận lợi để các em học các nội dung tiếp theo có liên quan đến các hình này.
Người giáo viên cần chú ý tránh sử dụng một cách tùy tiện, dùng các đồ dùng dạy học thiếu mẫu mực. Đồng thời không nên sử dụng đồ dùng dạy học có hình thức và màu sắc quá cầu kì vì đôi khi nó làm che lấp mất dấu hiệu bản chất của nội dung cần dạy.
Ví dụ: Khi dạy bài “Hình tam giác” cho học sinh lớp 1, nếu giáo viên sử dụng mô hình hình tam giác được trang trí bằng rất nhiều màu sắc và hoa văn cầu kì có thể sẽ làm học sinh quá quan tâm đến các màu sắc và họa tiết trên mô hình chứ không hình thành được trong đầu biểu tượng về hình tam giác một cách chắc chắn.
* Thứ hai: Sử dụng đồ dùng dạy học phải phù hợp với mức độ yêu cầu và nội dung bài học của từng lớp.
Trước khi lựa chọn thiết bị dạy học cần nghiên cứu kĩ nội dung dạy học để từ đó có thể lựa chọn thiết bị và xác định phương pháp sử dụng thích hợp.
Đồ dùng dạy học toán phải phù hợp với đặc điểm nhận thức và đặc điểm tâm sinh lí của học sinh ở các lớp đầu cấp tiểu học. Đồ dùng dạy học toán ở các lớp 1, 2, 3 thường là các vật thật, tranh, ảnh, mô hình, hình vẽ về những vật sự vật gần gũi xung quanh cuộc sống hàng ngày của các em. Ngoài ra, mỗi khối lớp lại có những bộ đồ dùng dạy và học toán riêng, phù hợp với nội dung kiến thức được thể hiện trong sách giáo khoa.
Ví dụ: Khi dạy bài “Đồng hồ. Thời gian” ở lớp 1 giáo viên chỉ nên sử dụng đồng hồ thật hay mô hình mặt đồng hồ có ghi bằng các chữ số tự nhiên có một vòng số. Giáo viên không nên sử dụng mặt đồng hồ có hai vòng số hoặc mặt đồng hồ có ghi bằng các chữ số La Mã vì nó không phù hợp với nội dung và mức độ yêu cầu của bài học này là chỉ cho học sinh làm quen với đồng hồ và cách xem giờ đúng.
* Thứ ba: Khi sử dụng đồ dùng dạy học, thao tác phải chính xác, rõ ràng, đúng trình tự, có dụng ý sư phạm xác định.
Đây là yêu cầu cơ bản đối với giáo viên tiểu học khi sử dụng đồ dùng dạy học. Bởi vì sự gương mẫu của giáo viên khi nói, viết, vẽ hình kết hợp các động tác sử dụng đồ dùng dạy học đều vô cùng quan trọng và cần thiết. Đó được coi như một hình ảnh trực quan mẫu mực để học sinh noi theo.
Ví dụ: Khi sử dụng đồ dùng trực quan bao giờ chúng ta cũng cần phải kết hợp với các phương pháp dạy học như: dẫn dắt, gợi mở, nêu vấn đề ... Do vậy việc đưa ra các chi tiết, các đồ dùng trực quan phải được kết hợp một cách nhịp nhàng, dứt khoát với lời nói của người giáo viên. Tránh đưa ra một cách qua loa, đại khái không giúp ích gì cho việc hiểu bài của học sinh.
Việc sử dụng đồ dùng dạy học không chỉ dừng lại ở yêu cầu: giáo viên thao tác chính xác, rõ ràng, đúng trình tự mà còn yêu cầu giáo viên phải tổ chức, hướng dẫn các thao tác sử dụng đồ dùng học tập của học sinh, giúp học sinh có thể hoạt động trên bộ đồ dùng học toán. Từ đó các em tự tìm tòi và phát hiện ra những kiến thức mới của bài học.
Hơn nữa, việc sử dụng đồ dùng dạy học toán ở các lớp 1, 2, 3 phải đúng lúc, đúng chỗ và đúng cách. Sau khi đã sử dụng các đồ dùng trực quan để hình thành kiến thức mới thì khi luyện tập, thực hành các kiến thức đó nên hạn chế dần, thậm chí cấm sử dụng, chỉ khi nào thấy cần thiết mới sử dụng để hỗ trợ, củng cố các tri thức đã học.
Ví dụ: Khi hình thành “Bảng nhân 4” cho học sinh lớp 2, giáo viên cần sử dụng các tấm bìa có in bốn chấm tròn để hướng dẫn học sinh tự tìm ra các phép tính và kết quả trong bảng nhân 4. Tuy nhiên, không nhất thiết phải sử dụng đồ dùng trực quan để tìm đầy đủ các công thức trong bảng nhân 4, sau một số lần sử dụng chúng ta có thể cho học sinh nhận xét để tự tìm ra các công thức tiếp theo. Khi chuyển sang phần luyện tập, thực hành thì không nên sử dụng đồ dùng trực quan nữa mà yêu cầu học sinh phải học thuộc bảng nhân và viết ngay kết quả của phép tính, chỉ khi nào quên công thức mới gợi ý để hỗ trợ cho trí nhớ.
* Thứ tư: Chuyển dần, chuyển kịp thời các đồ dùng trực quan từ dạng cụ thể sang dạng trừu tượng.
Như chúng ta đã biết các đồ dùng dạy học ở tiểu học mang nặng tính trực quan, cụ thể đặc biệt là ở giai đoạn 1 (chủ yếu là các vật thật, tranh, ảnh, mô hình ...), nhưng một yêu cầu đặt ra khi sử dụng là phải chuyển dần từ vật “cụ thể” sang vật “ít cụ thể” hơn.
Ví dụ: Khi dạy bài số 5 cho học sinh lớp 1, lần đầu giáo viên có thể cho học sinh lấy 4 bông hoa, rồi lấy thêm một bông hoa để được 5 bông hoa. Lần thứ hai, lấy 4 que tính rồi lấy thêm 1 que tính cho được 5 que tính. Cuối cùng lần thứ ba lấy 4 chấm tròn rồi thêm 1 chấm tròn để được 5 chấm tròn. Sau đó giáo viên giới thiệu: để chỉ số lượng 5 bông hoa, 5 que tính, 5 chấm tròn cô có số 5.
Như vậy từ 5 bông hoa, 5 que tính, 5 chấm tròn rồi đến số 5 đã có sự chuyển dần từ vật “cụ thể” sang vật có “tính trừu tượng” hơn. Điều quan trọng là học sinh nhận ra được “cái chung” của nhóm vật đó là 5 (số lượng đều là 5).
* Thứ 5: Không lạm dụng đồ dùng dạy học.
Việc lạm dụng đồ dùng dạy học thể hiện ở chỗ giáo viên sử dụng không đúng lúc, đúng chỗ, không đúng mục đích, yêu cầu, nội dung của bài học và không nâng dần mức độ trừu tượng.
Việc lạm dụng đồ dùng dạy học sẽ làm cho việc sử dụng đồ dùng dạy học của giáo viên có thể có tác dụng ngược lại: hạn chế kết quả dạy học, học sinh sẽ học toán một cách máy móc, dập khuôn ...
Trong xu thế đổi mới phương pháp dạy học ở tiểu học hiện nay, người giáo viên không những phải nắm chắc nội dung, chương trình, phương pháp dạy học đặc thù của từng môn học mà còn phải nắm rõ vai trò, tác dụng của từng bộ đồ dùng; từ đó sử dụng hiệu quả trong quá trình hình thành kiến thức, giúp học sinh lĩnh hội kiến thức mới một cách dễ dàng hơn. Làm được điều này cũng chính là chúng ta đã góp một phần quan trọng vào việc đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học ở các lớp đầu bậc Tiểu học.
File đính kèm:
- Mot so yeu cau khi su dung do dung lop 123.doc