Khi trò chuyện với ông họa sĩ, nhân vật anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long có nói: “Nhưng từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc”.
Từ cảm nhận hạnh phúc của anh thanh niên trong truyện, viết một bài văn nghị luận (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về hạnh phúc của thanh niên thời nay.
Câu 3 (3.0 điểm)
Phân tích ý nghĩa chi tiết ông Hai khoe Tây đốt nhà mình trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân.
4 trang |
Chia sẻ: thiennga98 | Lượt xem: 806 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giáo án Môn Ngữ Văn Lớp 9 - Đề thi chọn học sinh giỏi Lớp 9 - Năm học 2013-2014, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9
HUYỆN THẠCH THÀNH Năm học: 2013 - 2014
MÔN: NGỮ VĂN
ĐỀ CHÍNH THỨC
Ngày thi: 04/12/2013
Thời gian: 150 phút (Không kể thời gian giao đề)
Câu 1(4.0 điểm)
Vận dụng kiến thức đã học về từ vựng để phân tích nét nghệ thuật đặc sắc trong đoạn trích sau:
“ Buồn trông của bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi. ”
( Trích Truyện Kiều- Nguyễn Du)
Câu 2(3.0 điểm)
Khi trò chuyện với ông họa sĩ, nhân vật anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long có nói: “Nhưng từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc”.
Từ cảm nhận hạnh phúc của anh thanh niên trong truyện, viết một bài văn nghị luận (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về hạnh phúc của thanh niên thời nay.
Câu 3 (3.0 điểm)
Phân tích ý nghĩa chi tiết ông Hai khoe Tây đốt nhà mình trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân.
Câu 4 (10.0 điểm)
Vẻ đẹp thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động qua bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.
.................................Hết.......................................
Họ tên thí sinh:...............................Chữ ký giám thị số 1:.........................................................
Số báo danh:................................. Chữ ký giám thị số 2:.........................................................
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HUYỆN THẠCH THÀNH
HƯỚNG DẪN
CHẤM THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9
Môn: Ngữ văn
Năm học: 2013 - 2014
Câu 1(4.0 điểm )
Nêu được các ý cơ bản sau:
- Biện pháp tu từ từ vựng: điệp ngữ, ẩn dụ và từ láy được sử dụng kết hợp một cách tài tình trong đoạn trích (0,5 điểm).
+ Biện pháp tu từ ẩn dụ được sử dụng trong bút pháp tả cảnh ngụ tình với những hình ảnh con thuyền, cánh buồm, hoa trôi man mác, ngọn cỏ rầu rầu, tiếng sóng ầm ầm mang ý nghĩa tượng trưng cho thân phận mong manh trôi nổi đang nhạt nhòa trước tương lai mịt mờ ảm đạm với những tai ương sóng gió cuộc đời và thể hiện tâm trạng bơ vơ đau khổ, sợ hãi trên bước đường lưu lạc của Kiều. (1,5 điểm)
+ Phép điệp ngữ: Cụm từ “ buồn trông” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như những lời than oán, não nùng của nhân vật. Nhấn mạnh, tô đậm cho sự cô đơn và nỗi buồn da diết của Thúy Kiều càng lúc càng trào dâng. (1,0 điểm)
+ Từ láy: Thấp thoáng, xa xa, man mác, rầu rầu, xanh xanh, ầm ầmtạo âm điệu hiu hắt buồn thương cho kiếp hồng nhan bạc mệnh của Kiều. (0,5 điểm)
- Đánh giá: Tài năng của Nguyễn Du, niềm thương cảm xót xa trước một con người tài hoa bạc mệnh (0,5 điểm).
( Lưu ý: Nếu học sinh xác định không đúng, phân tích cả tác dụng câu hỏi tu từ trừ 0,5 điểm)
Câu 2 ( 3.0 điểm)
* Yêu cầu về kỹ năng trình bày: Đảm bảo một văn bản nghị luận ngắn có bố cục rõ ràng, hợp lý, sắp xếp ý một cách lôgíc,chặt chẽ, hành văn trôi chảy, mạch lạc... (0,25 điểm)
* Yêu cầu về kiến thức: Cần nêu được các ý:
- Quan niệm về hạnh phúc: Hạnh phúc là niềm vui, sự sung sướng khi được thỏa mãn nhu cầu nào đó về vật chất, về tinh thần. Có những niềm hạnh phúc lớn lao, cao cả, cũng có những niềm hạnh phúc bình dị, đơn sơ. (0,5 điểm)
- Hạnh phúc của nhân vật anh thanh niên trong truyện là niềm vui được cống hiến, làm việc có ích cho đất nước. Anh hạnh phúc khi biết mình góp phần phát hiện một đám mây khô giúp không quân ta hạ được máy bay phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng. (0,5 điểm).
- Suy nghĩ về hạnh phúc của thanh niên thời nay:
+ Hạnh phúc là được sống trong một gia đình êm ấm, thương yêu; được học tập, được theo đuổi những khát vọng chân chính; được thực hiện những ước mơ đem lại cuộc sống tốt đẹp cho bản thân, góp phần đem lại lợi ích chung cho xã hội... (0,5 điểm)
+ Thanh niên cần phấn đấu hết mình cho hạnh phúc của bản thân, gia đình và góp vào phần chung cho cộng đồng, xã hội. Khi gặp phải những bất hạnh, khổ đau trong cuộc đời không nên bi quan, chán nản mà cố gắng vượt qua thì ta càng thấy hạnh phúc đáng quý hơn. (0,5 điểm)
+ Phê phán những thanh niên có quan điểm lệch lạc về hạnh phúc (chỉ coi trọng giá trị vật chất), không biết trân trọng hạnh phúc mà mình đang có, không có ý thức vun đắp cho hạnh phúc, chỉ biết tận hưởng hạnh phúc một cách ích kỉ. (0,5 điểm)
Dẫn chứng: Không quan tâm đến người thân và những người xung quanh; sống buông thả làm cho cha mẹ và mọi người phải buồn...
- Liên hệ bản thân: Biết trân trọng hạnh phúc của mình đang có dù bé nhỏ, biết tạo nên hạnh phúc chân chính bằng những cố gắng của bản thân. Luôn yêu thương gia đình, người thân, thầy cô, bạn bè; Phấn đấu học tập không ngừng để sau này lập nghiệp. (0,25 điểm)
Câu 3 (3,0 điểm):
- Giới thiệu chi tiết: Khi nghe được tin cải chính, làng Chợ Dầu không phải việt gian theo Tây, ông Hai tươi vui, rạng rỡvội vã đi báo tin nhà mình bị đốt nhẵn cho tất cả mọi người. Chi tiết tưởng như là vô lí nhưng lại rất chân thực và chứa đựng nhiều ý nghĩa. (0,5đ)
- Ý nghĩa: (2,0 điểm)
+ Diễn tả niềm vui sướng, hả hê, hạnh phúc tột độ của ông Hai. (0,5đ)
+ Là chi tiết giúp ông trút được nỗi ám ảnh, day dứt, đau khổ khi buộc phải lựa chọn làng hay đất nước. (0,5đ)
+ Là minh chứng chân thực nhất chứng minh làng Chợ Dầu của ông không phải là làng việt gian cũng chứng minh cho tình yêu và niềm tự hào của ông về làng mà ông vô cùng gắn bó.
(0,5đ)
+ Là chi tiết diễn tả sự mất mát về vật chất nhưng hơn cả là niềm vui tinh thần mà ông vừa được đón nhận. Bởi trong sự tàn rụi của ngôi nhà ông là sự hồi sinh của làng ông – cái làng ông vẫn từng yêu và cái làng xứng đáng với tình yêu ấy. (0,5đ)
- Đánh giá: Đây là chi tiết nghệ thuật chân thực và cảm động thể hiện sự am hiểu sâu sắc về người nông dân của nhà văn Kim Lân. Chi tiết góp phần thể hiện nổi bật tình yêu làng hòa quyện và thống nhất với tình yêu nước – một nét chuyển biến mới trong tư tưởng người nông dân – qua nhân vật ông Hai.
(0,5đ)
Câu 4: (10 điểm)
A,Yêu cầu chung:
- Đúng kiểu bài nghị luận; tỏ rõ năng lực cảm thụ thơ.
- Đảm bảo bố cục của một văn bản, lời văn rõ ràng, tránh những lỗi cơ bản trong trình bày, diễn đạt.
B,Yêu cầu cụ thể
Mở bài:( 1,0 điểm)
- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu vấn đề nghị luận
Thân bài: ( 8,0 điểm)
1. Vẻ đẹp hài hòa giữa bức tranh hoàng hôn trên biển và đoàn thuyền đánh cá ra khơi.
(2,0điểm)
- Cảnh hoàng hôn rực rỡ, kì vĩ và gần gũi với con người thông qua biện pháp so sánh ,ẩn dụ và nhân hóa: mặt trời như hòn lửa, sóng cài then, đêm sập cửa (0,75 đ)
- Vũ trụ vào trạng thái nghĩ ngơi cũng là lúc đoàn thuyền bắt đầu một hành trình ra khơi đánh cá quen thuộc với khí thế lao động hăng say. Câu hát cùng với gió khơi tạo nên sức mạnh của đoàn thuyền (HS pt hình ảnh đoàn thuyền, “lại”, “câu hát căng buồm”; nghệ thuật phóng đại) (0,75 đ)
- Thiên nhiên gắn bó với con người hòa cùng nhịp sống của con người được tái hiện bởi những hình ảnh liên tưởng lãng mạn thể hiện niềm vui tin tưởng của con người lao động trước cuộc đời mới. (0,5 đ)
2. Bức tranh rực rỡ trên biển về đêm trong sự gắn bó, hòa hợp với vẻ đẹp khỏe khắn của con người lao động. (3,0 điểm)
- Bức tranh trên biển đêm đẹp lộng lẫy giàu có với các loài cá rực rỡ sắc màu (dẫn chứng). Bằng những hình ảnh liên tưởng tưởng tượng đầy sáng tạo, biển về đêm như một bức tranh sơn mài lung linh huyền ảo. (0,75 đ)
- Thiên nhiên đất trời với sóng, gió, trăng sao trở nên rộng lớn, kì vĩ, tráng lệ. Biển cả như người mẹ ân tình hào hiệp mà bao dung (dẫn chứng) (0,5 đ)
- Công việc lao động đánh cá trên biển thật hùng tráng, con người sánh ngang tầm vũ trụ (Thuyền ta lái gió vây giăng). (0,75 đ)
- Trong nhịp lao động khẩn trương của con người, thiên nhiên như một người bạn gần gũi, luôn cùng lao động với con người làm cho công cuộc đánh cá trở nên thi vị, lãng mạn và bay bổng
( thuyền ta lái gió với buồm trăng) (0,5 đ)
- Khí thế lao động khẩn trương, hăng say trong niềm vui phơi phới, tin tưởng và tự hào: cất cao tiếng hát, xoăn tay kéo lưới như người lính trên mặt trận lao động (dàn đan thế trận lưới vây giăng) (0,5 đ)
3. Bình minh trên biển và niềm vui trở về. (1,5điểm)
- Hình ảnh thiên nhiên: tráng lệ, huy hoàng gợi liên tưởng đến một tương lai xán lạn. (0,5 điểm)
- Hình ảnh con người lao động: tiếp tực trở về trong câu hát, trong niềm vui của người dựng xây và làm chủ cuộc đời; họ trở về trong khí thế khẩn trương chạy đua cùng thời gian. (1,0 điểm)
4. Đánh giá, nâng cao. (1,5điểm)
- Hình ảnh người lao động được đặt vào một không gian rộng lớn của biển trời trăng sao để làm tăng thêm kích thước tầm vóc của con người. Nhà thơ đã sử dụng thủ pháp phóng đại từ những liên tưởng mạnh bạo bất ngờ nhưng không kém phần lãng mạn bay bổng để làm nên bức tranh đẹp về sự gắn bó hòa hợp giữa thiên nhiên và cong người lao động. (1,0 đ)
- Liên hệ với các tác phẩm cùng chủ đề (Lặng lẽ Sa Pa) để thấy vẻ đẹp của con người mới – con người thực sự được làm chủ chính cuộc đời mình, thoát khỏi đêm dài nô lệ. Vì thế cuộc sống mới được cảm nhận bởi niềm vui phơi phới và tâm hồn lãng mạn, bay bổng làm nên những bài ca lao động đẹp.(0,5 đ)
Kết bài: (1,0 điểm)
Khái quát lại vấn đề nghị luận
Liên hệ bản thân
File đính kèm:
- NGữ văn.doc