Đà Lạt - Thành phố hoa trong cảnh xuân vĩnh viễn

1. Rừng thông bát ngát dưới bầu trời nhiệt đới do chính Yécxanh phát hiện giá trị trước tiên cách ngày nay gần một thế kỷ

Những thân cây cao, thanh thanh, đỡ lấy một tấm màn lá hình kim dàn mỏng như một bức thành bao la. Giữa đất với trời không có gì ngăn cách hoàn toàn, nắng vẫn tràn xuống, nhưng qua tán rừng, đã dịu mát hẳn đi; nắng như mung lung, huyền ảo giữa tiếng gió vi vu suốt ngày, triền miên trrong tiếng thông reo không bao giờ đứt. Rừng ở đây không vây kín lấy ta, không chiếm lĩnh hết không gian. Tuy rừng bao la nhưng chỉ có làn hương thông tươi như quyện lấy ta, lùa vào chân tơ kẽ tóc, thấm vào thịt da. Thứ hương thơm thoang thoảng, bất tận, tràn lan trên khắp mặt cao nguyên, nhiều lúc chập chờn kéo vào các phố phường đông đúc, đó là làn hơi thở muôn đời của Đà Lạt.

 

doc6 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1201 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đà Lạt - Thành phố hoa trong cảnh xuân vĩnh viễn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
t, nằm cách Đan Kia 5 kilômét; từ thành phố đi ô tô đến Đan Kia rồi xuôi theo dòng Đa Dung chỉ 3 kilômét là đến thác.  Nhưng muốn đi chơi khắp các thác, xem cả một viện bảo tàng thiên nhiên về thác nước, thì tốt nhất là đi theo một đoạn của con đường 20 từ Đà Lạt xuống Di Linh. Đoạn đường này chạy men theo hữu ngạn sông Đa Tân, một phụ lưu của sông Đa Nhim bắt nguồn ngay từ thành phố Đà Lạt. Đến cây số 8 là đã thấy thác Đa Tân La cao 10 mét. Đến cây số 12 lại là thác Prenn ở ngay bên đường, cao 13 mét, từ dưới nhìn lên không kém phần hùng vĩ. Đến cây số 32 sông Đa Tân đổ vào sông Đa Nhim, từ đây đường lại men theo hữu ngạn Đa Nhim. Đến cây số 35 là thác Liên Khàng cao 15 mét; cây số 41 lại là thác Gu Ga cao 17 mét; và tới cây số 46 là cầu Đa Nhim. Dòng sông đến đây cắt qua quốc lộ 20 mà rẽ sang phía tây bắc. Ta bỏ đường nhựa mà đi theo đường sông, vào 6 kilômét nữa thì được thấy một ngọn thác đồ sộ nhất vùng và vào hạng lớn nhất ở nước ta, là thác Pông Gua cao 40 mét; ở chân thác nước lồng lên, sủi bọt rồi chảy vào một hồ nước yên lặng. Mùa mưa, tiếng thác nghe vang xa đến vài ba kilômét, làm cho cảnh núi rừng càng thêm hùng vĩ.  Từ Đà Lạt đến cầu Đa Nhim này, xe xuống dốc liên tiếp, từ mặt cao nguyên Lang Biang 1.500 mét, xuống tới rìa cao nguyên Di Linh chỉ cao 800 mét, thế là dòng sông chảy ở bên cạnh đường, phải nhảy qua một chuỗi thác liên tiếp. Lòng sông càng tụt xuống nhanh thì các thác càng cao. Nhưng bất kì thác nào cũng là một cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp vì những khoảng rừng ven sông gần thác bao giờ cũng xanh tốt; gần những thác nước không khí mát ẩm, phong lan đua nhau nở, nhất là vào những tháng đầu mùa hạ. Đất rừng càng ẩm, côn trùng càng sinh sôi nảy nở thì chim chóc càng bay đến tụ tập nhiều thành những đàn lớn; vì thế đi chơi thác còn thêm cái thú nữa là xem chim, xem bướm; rừng Đà Lạt tươi vui, rộn ràng chứ không im ắng như rừng rậm nhiệt đới.  Núi Lang Biang dài hơn 3 kilômét, gồm một dãy năm ngọn cao gần 2.000 mét; đỉnh cao nhất là Lang Biang 2.165 mét, đã được lấy tên để đặt cho toàn bộ cao nguyên này. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống phía nam là thấy hết toàn cảnh Đà Lạt, và nhìn sang phía bắc thì thấy được một phần cao nguyên Đắc Lắc. Khách đến Đà Lạt, leo núi Lang Biang, vừa là ngoạn cảnh, lại vừa là thể thao; từ chân núi ở độ cao 1.500 mét lên đỉnh núi 2.165 mét, sườn núi phủ toàn rừng thông bao la, trên đỉnh núi lại bát ngát những hoa đỗ quyên và phong lan. Từ thành phố, đường ô tô thẳng tới Đan Kia, nơi tập trung nhiều ấp, trại bò sữa đầu tiên của Đà Lạt. Từ đây xuôi theo sông Đa Dung 3 kilômét là đến thác Ankroet, còn theo hướng ngược lại về phía đông bắc là đường lên núi Lang Biang.   Một thú vui nữa của Đà Lạt là săn bắn. Những nơi đi săn tốt không phải tìm đâu xa, chỉ cách thành phố 15 kilômét đã là chân núi Lang Biang, vùng núi này còn nhiều thú lớn. Ngoài cọp, báo, gấu, rừng Đà Lạt xưa vốn nổi tiếng về giống bò rừng, nhưng nhiều nhất là nai, rất thơm thịt. Hình con nai được lấy làm biểu tượng của núi rừng Đà Lạt, thường được khắc, được vẽ trên những vật kỉ niệm bằng gỗ thông thanh nhã xinh xắn, hình những "con nai vàng ngơ ngác" với hình những chiếc nhà rông mái cao vút, hình những cây thông thẳng tắp, thanh thoát, và hình những cô gái Tây Nguyên xinh xinh thon thả đeo gùi hay duyên dáng giã gạo.  6. Bao nhiêu đường lên "xứ hoa đào", đường nào mà chẳng núi non hùng vĩ  Để lên Đà Lạt, du khách có thể chọn nhiều đường. Ngoài đường hàng không còn có rất nhiều đường bộ lên "xứ hoa đào". Về phía tây từ Buôn Ma Thuột đến, có đường 21 chạy tới Đức Trọng rồi bắt vào đường 20, lên Đà Lạt chỉ còn 35 kilômét. Gần đấy lại có con đường trong tỉnh ngắn hơn, bắt từ đường 21 ở chỗ giáp giới với Đắc Lắc rồi qua Đan Kia, Lạc Dương mà vào thành phố.  Còn về phía đồng bằng Nam Bộ thì có thể từ nhiều hướng đi thẳng lên Đà Lạt. Từ thành phố Hồ Chí Minh lên thì đường dài nhất 300 kilômét từ độ cao 5 mét, lên đến 1.530 mét. Theo quốc lộ 1, ta qua Biên Hòa, Hố Nai, Trảng Bom rồi Dầu Giây, qua nhiều vườn cao su lớn đến đây là đã đi được 67 kilômét. Lên cao 95 mét, sẽ rẽ sang đường 20, đi về phía đông bắc và lên những dốc dài thoai thoải của cao nguyên Đông Nam Bộ. Qua gần 90 kilômét đi trên mặt cao nguyên này, xe lại phải leo một cái dốc dài 19 kilômét nữa rồi lên đỉnh đèo Bảo Lộc, có thị trấn Bảo Lộc, chè thơm ngon nổi tiếng; ở đây cao 849 mét là mép của cao nguyên thứ hai, cao nguyên Di Linh, và nó cứ cao dần lên cho tới thị trấn Di Linh thì đã cao hơn mặt biển 1.026 mét: trước mắt ta, mặt cao nguyên Di Linh lượn sóng rộng ra xanh xanh những ruộng lúa, vườn cây ăn quả. Mưa ở đây ít hơn trên Đà Lạt, lại thêm có đất đỏ núi lửa nên các loài trái cây của Di Linh đều ngọt đậm. Trên đường đi có thể thấy những vườn chuối mênh mông, những vườn cà phê bát ngát, và những đồi thông hai lá báo trước rừng thông ba lá của Đà Lạt ở trên cao 500 mét nữa.  Bên phía tây Di Linh cách 6 kilômét có thác Bôbla trên sông Đa Riam. Từ Di Linh còn đi 67 kilômét nữa mới hết cao nguyên thứ hai này, rồi lại phải leo một cái dốc dài 9 kilômét nữa để lên cao nguyên thứ ba là cao nguyên Lang Biang mà tới Đà Lạt. Cách thành phố 45 kilômét là qua cầu Đa Nhim và bắt đầu gặp chuỗi thác tuyệt vời trên sông Đa Nhim, Đa Tân mà ta đã biết.  Lên Đà Lạt mà đi từ thành phố Hồ Chí Minh thì thấy rõ Đà Lạt nằm trên một miền cao nguyên đồ sộ, cao nhất cả Tây Nguyên, và các cao nguyên cứ gối lên nhau như xếp tầng; phía nam từ đồng bằng sông Đồng Nai lên cao dần dần thành cao nguyên Đông Nam Bộ, là tầng dưới; rồi đến cao nguyên Di Linh 1.000 mét là tầng giữa; sau cùng là cao nguyên Lang Biang 1.500 mét là tầng cao nhất.  Lại còn nhiều đường nữa lên Đà Lạt từ các đồng bằng miền Trung, có thể bắt đầu từ Phan Thiết, Phan Rang hay Nha Trang.  Từ bờ biển Phan Thiết theo đường 12, qua hết những làng người Chăm trên đồng bằng Bình Thuận là gần tới thị trấn Gia Bắc ở cao 800 mét, cách Phan Thiết 35 kilômét; đứng ở Gia Bắc có thể nhìn thấy hết toàn cảnh đồng bằng Bình Thuận ra tới biển. Từ Gia Bắc xe leo những dốc cao, qua những làng xóm của người Mạ, và 25 kilômét nữa là lên tới đỉnh đèo Đa Trôm cao 1.235 mét. Từ đấy xe đổ xuống thị trấn Di Linh, rồi sẽ sang đường 20 mà lên Đà Lạt. Đường Phan Thiết - Đà Lạt như thế dài 180 km.  Con đường ngắn nhất từ Biển Đông lên "xứ hoa đào" là đường từ Phan Rang lên theo quốc lộ 11, nhưng cũng vì ngắn - chỉ có 100 kilômét - mà rất dốc, dốc hơn tất cả các đường khác. Ô tô thì từ bến Phan Rang, xe lửa thì từ ga Tháp Chàm lên; già nửa hành trình, hai đường đều đi ngược dòng sông Cái, rồi sông Crông Pha, lần lượt qua các địa bàn sinh tụ của người Kinh, rồi người Chăm, người Rắc Lây.  Gần ga Crông Pha, cách ga Tháp Chàm 41 kilômét là nhà máy thủy điện nổi tiếng Crông Pha, còn gọi là Sông Pha, vì Crông có nghĩa là sông. Đến đây, đường ô tô ngoằn ngoèo chữ chi leo cái dốc dài 23 kilômét, rồi đến một ngọn đèo cao 1.000 mét là mép phía đông của cao nguyên Lang Biang rồi. Từ đỉnh đèo nhìn xuống bao quát cả một vùng rừng núi trùng điệp, sông suối quanh co giữa các nương rẫy cho đến tận miền đồng bằng Ninh Thuận dốc thoai thoải về phía biển Đông, bầu trời quang đãng nên cảnh vật hiện ra vừa rõ vừa đẹp, khiến người Pháp trước kia phải đặt cho đèo tên tiếng Pháp là Belle Vue nghĩa là Ngoạn Mục. Trên đoạn đường dốc ghê gớm từ ga Sông Pha lên ga Ngoạn Mục, đường sắt phải móc răng khế, xe lửa leo lên mới khỏi tụt hậu. Hết đoạn dốc này, đường bộ cũng như đường sắt đổ xuống thung lũng sông Đa Nhim, qua cầu là tới thị trấn Đơn Dương, trước kia gọi là Đran.  Từ nhà máy thủy điện Sông Pha lên Đơn Dương này, qua đèo Ngoạn Mục, đường ô tô phải  dài 28 kilômét, với tất cả những khúc "ngoắt ngoéo chữ chi", đường sắt thẳng hơn cũng phải 15 kilômét, thế mà theo cánh chim bay thì chỉ có hơn 7 kilômét, là vì Đơn Dương ở cao hơn mặt biển 1.018 mét, còn Sông Pha chỉ cao có 219 mét, hai thị trấn ấy cao thấp trên nhau 800 mét. Đến Đơn Dương là phải thăm cái đập bằng đất: đập Đơn Dương, nối liền hai triền núi cao, chắn ngang dòng sông Đa Nhim, tạo ra hồ Đa Nhim, sức chứa 165 triệu mét khối nước. Con sông Đa Nhim bắt nguồn từ phía đông bắc Đà Lạt, chảy xuống đây để sang phía tây rồi vào hệ sông Đồng Nai, thì bị chặn lại làm hồ chứa ở độ cao 1.042 mét, lưu lượng nước chảy vào hồ là 18 m3/giây.  Từ đáy hồ này người ta đã đục núi làm một đường hầm, đường kính 3,40 mét, dài 5 kilômét xuống dưới đầu núi Eo Gió ở bên phải đường ta đi lên; từ đây lại có hai đường ống thủy áp dài 2.450 mét, đưa nước đến nhà máy thủy điện Crông Pha dưới chân núi ở độ cao 243 mét, làm quay bốn tuốc bin, kéo theo bốn máy phát điện, tổng công suất là 160.000 kilôoát. Từ xa hoặc từ trên máy bay, đều có thể thấy rõ hai ống kim loại dài thẳng tắp, trắng xám.  Nhà máy thủy điện Sông Pha xây dựng từ 1961 đến 1966, mỗi năm có thể sản ra gần một tỉ kilôoát /giờ, cung cấp cho Đà Lạt, Phan Rang, Cam Ranh, Nha Trang và thành phố Hồ Chí Minh. Lượng nước đưa qua đường hầm xuyên sơn ấy có thể được 26,4 m3/s, nhưng chỉ 6 m3/s là đủ để phát hết công suất của nhà máy điện Sông Pha, dù hồ chứa nước của nó không lớn, nhỏ hơn hồ nước của nhà máy thủy điện Thác Bà trên sông Chảy nhiều - là nhờ cột nước giữa hồ chứa Đa Nhim với nhà máy thủy điện Sông Pha chênh nhau rất lớn, tới 800 mét. Độ cao chênh lệch rất ít có ấy, du khách thấy rõ hơn ai hết trên các đoạn đường ngoắt ngoéo chữ chi của quốc lộ 11 mà ô tô leo rất vất vả, hay ở đoạn đường ray móc răng khế mà xe lửa phải bò lên ì ạch.  Nhưng đến Đơn Dương là có thể xem như đã đến cửa ngõ Đà Lạt rồi, vì chỉ còn cách trung tâm thành phố không đầy 40 kilômét nữa thôi. Nhưng đường không phải đã hết dốc, vì Đà Lạt còn cao hơn Đơn Dương 500 mét; dọc hai bên đường mỗi lúc một cao, biệt thự cứ kế tiếp nhau, chẳng mấy chốc là đã vào tới hồ Xuân Hương và chợ Hòa Bình.  Còn một con đường nữa là từ Nha Trang lên thẳng Đà Lạt theo quốc lộ 20, nối liền hai thành phố nghỉ mát đẹp nhất nước ta, một nằm trên bãi biển, và một nằm trên cao nguyên, mà cách nhau chỉ bốn tiếng đồng hồ ô tô du lịch thôi.   Nguồn: Việt Nam non xanh nước biếc, Nxb Giáo dục, 1991

File đính kèm:

  • docDa Lat Thanh pho hoa trong canh xuan vinh vien.doc
Giáo án liên quan