Cao Bằng là tỉnh nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam. Hai mặt Bắc và Đông Bắc giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), với đường biên giới dài 322 km. Phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Phía nam giáp tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn. Theo chiều Bắc- Nam là 80 km, từ 23°07'12" - 22°21'21" vĩ bắc (tính từ xã Trọng Con huyện Thạch An đến xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm). Theo chiều đông- tây là 170 km, từ 105°16'15" - 106°50'25" kinh đông (tính từ xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm đến xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang).
13 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 7433 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chuyên đề Đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên tỉnh Cao Bằng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ng, địa hình núi cao, độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh đã ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế – xã hội của Cao Bằng. Đất canh tác hạn chế là một trong những khó khăn đối với một tỉnh nghèo, chủ yếu trông cậy vào sản xuất nông nghiệp. Việc giao lưu với các tỉnh lân cận nói chung và các trung tâm đô thị lớn của cả nước nói riêng, cũng như trong phạm vi nội tỉnh gặp nhiều khó khăn, cản trở. Tuy nhiên, ở mỗi vùng cũng có những thế mạnh, nếu có thể phát huy thì sẽ tạo được thế mạnh chung của toàn tỉnh.
b. Khí hậu
Khí hậu Cao Bằng mang tính nhiệt đới gió mùa lục địa núi cao và có đặc trưng riêng so với các tỉnh miền núi khác thuộc vùng Đông Bắc. Cao Bằng có tiểu vùng khí hậu á nhiệt đới.
Án ngữ phía Bắc của vùng Đông Bắc, lại có địa hình núi cao nên nền nhiệt của Cao Bằng giảm đi nhiều so với các tỉnh khác. Tổng xạ năm chỉ còn 90,2 kcal/cm2 với cán cân bức xạ 78 kcal/cm2. Điều đó làm cho tổng nhiệt trung bình năm giảm hẳn, nhiều nơi chỉ còn đạt tiêu chuẩn á nhiệt đới.
Về chế độ nhiệt, có thể chia ra hai mùa rõ rệt. Mùa đông lạnh kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Phần lớn lãnh thổ có ba tháng nhiệt độ trung bình dưới 150C. Ở đây thông thường có 1-2 tháng nhiệt độ trung bình xuống dưới 100C. Ở các vùng cao của tỉnh thường xuất hiện sương muối, băng giá. Sương mù kéo dài tới 4-5 tháng. Khi lạnh nhất, nhiệt độ có thể xuống dưới 00C và thường xuyên xảy ra vào tháng giêng.
Về chế độ mưa, lượng mưa trung bình năm của toàn tỉnh là 1500 - 1800mm, tập trung vào 4 tháng. Đặc điểm này đã tạo cho Cao Bằng những lợi thế để hình thành các vùng sản xuất cây, con phong phú đa dạng, trong đó có những cây đặc sản như dẻ hạt, hồng không hạt, đậu tương có hàm lượng đạm cao, thuốc lá, chè đắng… mà nhiều nơi khác không có điều kiện phát triển.
c. Sông ngòi
Mạng lưới sông ngòi Cao Bằng tương đối phong phú nhưng đa số là các nhánh thượng nguồn với đặc điểm chung là ngắn, dốc, thuỷ chế thất thường. Những con sông lớn của tỉnh đều bắt nguồn từ Trung Quốc hoặc từ biên giới Việt – Trung như Sông Bằng, Sông Bắc Vọng, Sông Gâm, Sông Quây Sơn
Ngoài hệ thống sông ngòi, Cao Bằng còn nổi tiếng với hồ Thang Hen. Đây là một trong những hồ kiến tạo đẹp và lớn ở nước ta, được hình thành từ một vùng đá vôi bị sụt xuống do nước chảy ngầm đã đục rỗng lòng khối núi.
Sông ngòi có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất và đời sống của nhân dân tỉnh Cao Bằng. Trong một chừng mực nhất định, sông ngòi là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho nông nghiệp và ngư nghiệp. Do yếu tố địa hình nên các sông đa số ngắn, dốc, thuận lợi cho việc phát triển thủy điện cũng như thu hút khách du lịch bằng những cảnh quan đẹp, hùng vĩ.
2. Tài nguyên thiên nhiên
a. Tài nguyên đất
Tỉnh Cao Bằng có 669.072 ha diện tích đất tuej nhiên, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 64.452 ha (chiếm 9,6%) diện tích đất lâm nghiệp là 263.447 ha (chiếm 39,37%) diện tích đất chuyên canh là 6.571 ha (chiếm 1%) diện tích đất ở 2.255 ha (chiếm 0,3%) diện tích đất chưa sử dụng và song suối là 332.147 ha (chiếm 49,65%). Trong đất nông nghiệp, diện tích đất trồng cây hàng năm là 53.373 ha (chiếm 82,55%) riêng đất lúa có 8.624 ha đất gieo trồng 2 vụ, diện tích đất trồng cây lâu năm là 1.061 ha (chiếm 1,64%). Diện tích đất trồng đồi trọc cần phủ xanh là 180.409 ha, diện tích đất có mặt nước chưa sử dụng là 50 ha.
- Tài nguyên đất của Cao Bằng nhìn chung đa dạng, phức tạp. Cao Bằng có một số loại đất chính như sau:
● Đất mùn đỏ vàng trên núi phân bố ở khu vực Phja Oắc, Phja Đa, thượng nguồn sông Hiến. Đất có hàm lượng mùn khá, có phản ứng hơi chua và tần mùn dày. Trên các núi Phja Oắc và Phja Đa còn rải rác đất mùn alit xen với đất feralit.
● Tại các vùng núi đá vôi phát triển loại đất màu nâu đỏ, hàm lượng NPK không nhiều.
● Đất feralit phát triển trên các đá trầm tích là loại đất phổ biến hơn cả, phân bố ở vùng đồi núi. Đất này bao gồm đất feralit đỏ vàng trên đá sét và đất biến chất, nghèo dinh dưỡng, có phản ứng chua. Đất feralit vàng đỏ phát triển trên các đá mácma axít nghèo đạm và lân.
● Ở bồn địa Cao Bằng có đất phù sa, đất sialit – feralit (nhiều hơn cả) và đất feralit. Đất phù sa chỉ gặp ở dọc theo các thung lũng sông, suối.
Với phương thức nông lâm kết hợp, căn cứ độ dốc và tầng đất mặt đối với diện tích đất trống đồi núi trọc có thể trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản và chăn nuôi gia súc kết hợp với trồng rừng theo mô hình trang trại. Các loại đất chuyên dùng, đất xây dựng khu công nghiệp, đất xây dựng đô thị và đất xây dựng khác còn nhiều. Tỉnh cần có kế hoạch quản lý, sử dụng các loại đất trên cho hiệu quả, tạo thêm nguồn lực quan trọng để phát triển.
b.Tài nguyên rừng
Tính đến năm 2002 toàn tỉnh có 287.170 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 269.772 ha, rừng trồng là 17.448 ha.
Rừng tự nhiên chỉ còn ở những nơi cao, có địa hình phức tạp thuộc vùng núi Phja Oắc, Phji Đa hay trên các vùng đá vôi. Ở đây có một số kiểu rừng: rừng á nhiệt đới lá rộng thường xanh với quần hợp dẻ, sau xen lẫn một số loài rụng lá, rừng nhiệt đới hơi ẩm rụng lá, rừng nhiệt đới ẩm xanh quanh năm.
Lên các đai cao thường gặp kiểu rừng ôn đới trên núi với đỗ quyên là loài chiếm ưu thế. Trên núi đá vôi xuất hiện loại hình rừng lá kim như rừng vân xam vùng Hạ Lang. Những nơi rừng tự nhiên bị tàn phá mạnh thì phát triển rừng thứ sinh gồm cây gỗ hỗn tạp, trảng cây bụi và trảng cỏ các loại.
Trong rừng có một số loài gỗ quý như thông tre, đỗ quyên, kim giao, pơmu, dẻ lá tre và nhiều dược liệu như đẳng sâm, sa nhân, ngũ gia bì, hà thủ ô…
Ngoài rừng tự nhiên Cao Bằng còn đẩy mạnh việc trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Trong điều kiện rừng tự nhiên bị tàn phá, động vật rừng cũng giảm sút nhiều. Tuy nhiên, động vật ở đây vẫn còn gặp một số loài có giá trị như báo, hươu, cầy hương…
c. Tài nguyên khoáng sản:
Cao Bằng là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú về chủng loại,đa dạng về loại hình do có lịch sử phát triển địa chất phức tạp và tập trung ở nhiều nơi (qua khảo sát có tới 142 mỏ và điểm quặng trên toàn tỉnh).
Các loại khoáng sản có trữ lượng tương đối lớn, chất lượng khá là quặng sắt trữ lượng khoảng 100 triệu tấn, bôxít 200 triệu tấn, mangan 7 triệu tấn. Đặc biệt, Cao Bằng nổi tiếng từ lâu là mỏ thiếc Tĩnh Túc với trữ lượng khoảng 20 triệu tấn.
Ngoài ra, Cao Bằng còn có nhiều khoáng sản khác như đồng, niken, kẽm, chì, antimoan, vàng … nhưng trữ lượng nhỏ, ít có giá trị về mặt kinh tế.
Đá vôi có trữ lượng rất lớn ở Cao Bằng, phân bố tập trung nhất ở khu vực phía Bắc và Đông Bắc. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất xi măng và phục vụ cho công nghiệp vật liệu xây dựng.
d. Tài nguyên du lịch
Cao Bằng là tỉnh biên giới phía Bắc có nhiều tiềm năng du lịch có hàng loạt địa danh nổi tiếng cả nước.
Về thắng cảnh, đó là hồ Thăng Hen, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao… Cao Bằng có hơn 20 di tích đã được nhà nước xếp hạng, trong đó có đến 16 di tích lịch sử cách mạng. Tiêu biểu nhất là cụm di tích Pác Bó, suối Lênin, núi Các Mác, lán Khuổi Nậm.
Về di tích văn hoá lịch sử có thành Nà Lữ, thành nhà Mạc, đền Kỳ Sầm, đền vua Lê. Cao Bằng còn rộn rã với nhiều lễ hội. Đó là hội mời Mẹ Trăng của người Tày, hội Chùa, hội Thanh Minh…
Cao Bằng cũng là vùng đất có nhiều làng nghề nổi tiếng như làng rèn Phúc Sen (huyện Quảng Hoà ) hơn 1000 năm tuổi, thường thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Tuy tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch nhưng số khách đến tham quan còn ít do giao thông còn nhiều bất tiện, các điểm du lịch không liên kết chặt chẽ và chất lượng dịch vụ chưa cao. Để tạo nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, Cao Bằng đã xác định 4 cụm du lịch chính là Cụm thị xã Cao Bằng và phụ cận với việc hướng vào tôn tạo, bảo vệ các di tích, cảnh quan dọc bờ sông Bằng; Cụm Pắc Bó với những cụm di tích liên quan đến Căn cứ cách mạng cũ; Cụm Bản Giốc - Ngườm Ngao với cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vĩ, thích hợp với du lịch sinh thái; Cụm rừng Trần Hưng Đạo gắn với du lịch sinh thái văn hoá. Trong tương lai, có thể ngành du lịch Cao Bằng sẽ phát triển nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh.
III. Những thuận lợi, khó khăn về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên Cao Bằng đối với đời sống và sản xuất.
Thuận lợi
Cao Bằng là tỉnh miền núi nằm ở phía đông bắc Tổ quốc, có vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, nhất là các thế mạnh về nông – lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch... có của khẩu giao lưu với nước bạn và hệ thống giao thông đường bộ khá thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển một nền kinh tế với nhiều nghành nghề. Đây là một thế mạnh cơ bản để Cao Bằng khai thác, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân
Dựa trên cơ sở nguồn lực của địa phương, Cao Bằng xác định cơ cấu kinh tế là : Nông – lâm – công nghiệp – thương mại và du lịch
Khó khăn
Cao Bằng là tỉnh có điều kiện tự nhiên khó khăn, vị trí địa lý ở vùng cao, miền núi, biên giới, đông đồng bào dân tộc thiểu số; thời tiết khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, điểm xuất phát thấp, trình độ dân trí thấp, không đồng đều, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu kém, nhất là giao thông điện, nước (nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất và đời sống), cách xa thủ đô Hà Nội và các trung tâm kinh tế - xã hội phát triển của cả nước… nên đã tạo ra cho Cao Bằng không ít trở ngại, vì vậy việc tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và địa phương còn nhiều hạn chế, tiến độ chậm; chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
● Do đó, tỉnh cần có phương hướng để phát triển kinh tế - xã hội như đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khai thác triệt để tiềm năng đất đai, rừng, khoáng sản, cửa khẩu, lao động hiện có, nhanh chóng hội nhập vào quá trình phát triển đất nước, nhằm xóa đói giảm nghèo ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững đoàn kết các dân tộc, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng biên cương của Tổ quốc.
File đính kèm:
- Chuyên đề báo cáo địa lí địa phương - Đặc điểm TN & TNTN Cao Bằng.doc