Chiến tranh liên miên
Cuộc xung đột Ả Rập – Israel, như người ta vẫn gọi là xung đột vùng Cận Đông, nó kéo dài nhất trên thế giới và vẫn chưa được giải quyết. Nó khởi đầu từ những năm 40 của thế kỷ 20 và gắn liền với việc thành lập hai nhà nước – một của người Do Thái và một của người Ả Rập - trên vùng đất Palestine, ở bờ Tây sông Jordan
Quyết định nêu trên đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông qua ngày 29-11-1947 (Nghị quyết số 181). Thế nhưng, ngay từ đầu, theo hãng tin RIA Novosti (Nga), quyết định này đã bị cả các nhà nước Ả Rập lẫn cư dân Ả Rập ở Palestine bác bỏ. Về nguyên tắc, người Ả Rập không chấp nhận chuyện người Do Thái trở về Palestine và coi lãnh thổ này là của mình.
7 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1571 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Lịch sử xung đột Ả Rập – Israel, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
i Palestine và người Israel. Ngoài ra, ngày 6-12-1987, một thương gia Israel đã bị giết chết trên vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Dải Gaza. Ngay sau đó, ngày 8-12-1987, một xe chở binh sĩ Israel đã đụng phải chiếc xe chở người Palestine làm việc ở Israel trở về trại tị nạn Jabalia ở Dải Gaza. Sau đó, ở Dải Gaza đã nhanh chóng lan truyền lời đồn đại vụ tai nạn giao thông này đã được sắp đặt trước và là sự trả thù của người Israel.
Ngày 9-12-1987, ở Jabalia đã nổ ra một cuộc biểu tình phản đối. Người Palestine đốt lều trại, thanh thiếu niên ném đá vào xe tuần tra của Israel. Hậu quả là binh sĩ trên một trong những chiếc xe tuần tra đã nổ súng bắn vào đám người này, khiến một thanh niên Palestine thiệt mạng và một số người bị thương. Tình trạng mất trật tự lan rộng ra khắp Dải Gaza, sau đó lan sang cả Bờ Tây sông Jordan. Ngày 19-12-1987, tình trạng lộn xộn đã lan đến tận Jerusalem.
Thoạt đầu, cách tấn công chủ yếu của những người nổi dậy là phục kích binh sĩ Israel. Lợi dụng ưu thế về số lượng người của mình (thường có mấy chục người tham gia cuộc tấn công như thế), thanh thiếu niên Palestine ném đá vào người Israel. Chẳng bao lâu sau, họ tự vũ trang cho mình những cái chai chứa dung dịch gây cháy, những quả lựu đạn, súng bắn lửa và chất nổ.
Israel điều động các lực lượng quân đội để đối phó với sự nổi dậy của người Palestine. Không chỉ người Palestine, ngay cả người Israel cũng lên án các phương cách tàn bạo mà quân đội Israel áp dụng.
Ngày 31-7-1988, Quốc vương Hussein của Jordan đã không chờ đợi kết quả của cuộc nổi dậy và tuyên bố từ bỏ phần lãnh thổ nước mình nằm trên Bờ Tây và phía Đông Jerusalem.
Ngày 15-11-1988, Hội đồng Quốc gia của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) bỏ phiếu thông qua việc thành lập Nhà nước Palestine với thủ đô đặt ở Jerusalem, cho dù phần lãnh thổ này vẫn thuộc quyền kiểm soát của Israel. Ngày 2-4-1989, ông Yaser Arafat được bầu làm tổng thống của Nhà nước Palestine.
Sau năm 1989, Israel đã lấn át được nhưng không thể diệt trừ hẳn sự nổi dậy của người Palestine. Phong trào của người Palestine bị chẻ nhỏ ra và trong suốt một thời gian dài, các phe cánh khác nhau quay sang đánh nhau.
Tháng 9-1993, các nhà lãnh đạo Israel và PLO ký một hòa ước. Theo đó, người Palestine phải chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề của người Ả Rập ở Dải Gaza, đồng thời Israel duy trì sự kiểm soát các khu dân cư của người Israel.
Cuộc nổi dậy Al-Aqsa
Cuộc nổi dậy thứ hai khởi đầu vào tháng 9-2000, với nguyên nhân trực tiếp là chuyến thăm Temple Mount (thánh địa của ba tôn giáo trên thế giới: Cơ đốc giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo) ở Jerusalem của nhà lãnh đạo cánh hữu Likud Ariel Sharon mà phía Israel cho là hành động hợp pháp. Bởi theo hòa ước, mọi người đều được phép đến đây. Cuộc nổi dậy này còn được gọi là Al-Aqsa (theo tên của nhà thờ Hồi giáo hiện nằm trên Temple Mount).
Đầu tháng 10-2000, ở các thành phố và làng mạc phía Bắc Israel đã diễn ra các cuộc biểu tình. Những người tham gia đã chặn các ngả đường, đốt lều trại, ném đá vào những xe chạy ngang qua và xô xát với cảnh sát Israel. Hậu quả, 13 người thiệt mạng và vài chục người Ả Rập là công dân Israel bị thương. Trong số những người bị thương còn có cả nhân viên cảnh sát.
Ngoài ra, cuộc nổi dậy thứ hai còn kèm theo một loạt vụ tấn công do các chiến binh cảm tử đến từ Dải Gaza, Judea, Samaria thực hiện. Chính quyền Israel đáp trả bằng cách lập các đồn kiểm soát, tăng cường bố ráp và bắt giữ; ai kháng cự đều bị bắn chết. Sau các vụ tấn công lớn, Israel ra lệnh phong tỏa tạm thời toàn bộ lãnh thổ của người Palestine. Cuối cùng, người Israel bị cấm bước chân vào vùng đất của người Palestine sinh sống.
Đỉnh điểm của cuộc nổi dậy thứ hai là vào tháng 3-2002, khi xảy ra các vụ bạo loạn trên lãnh thổ Judea và Samaria cũng như bên trong Israel. Kể từ tháng 4-2002, cuộc nổi dậy thứ hai giảm đi cường độ và đến mùa thu năm đó ngày càng ít xảy ra các vụ đụng độ giữa người Palestine với cảnh sát Israel.
Tháng 11-2004, lãnh tụ Yaser Arafat của người Palestine qua đời tại bệnh viện ở Paris. Trước đó, lãnh tụ Hamas là Ahmed Yassin đã tử vong vì đạn pháo của không quân Israel. Kể từ đây, cuộc nổi dậy bắt đầu mang tính chất cục bộ và không bao trùm cả lãnh thổ Palestine.
NGÔ SINH
Gaza: Vùng đất bất an
Gaza là một dải đất nằm dọc theo bờ Địa Trung Hải, hiện do phong trào Hồi giáo Hamas cai trị. Với diện tích chỉ hơn 360 km2, dân số chỉ khoảng 1,5 triệu người Palestine, song Dải Gaza luôn luôn là một vùng lãnh thổ không yên ổn, thường xuyên bị chiếm đóng và hứng chịu nhiều chiến trận
Dải Gaza đã từng nằm trong tay người Thổ Nhĩ Kỳ, người Anh và quân đội của Napoleon – Pháp cũng đã xâm chiếm nó. Từ năm 1948 (sau cuộc chiến tranh đầu tiên giữa người Ả Rập và Israel) đến hết năm 1967, Dải Gaza do Ai Cập chiếm đóng. Trong thời gian diễn ra cuộc thương lượng về việc trả lại bán đảo Sinai mà Israel chiếm đóng trong cuộc chiến 6 ngày vào năm 1967, Israel đã đề nghị Ai Cập giữ quyền kiểm soát Dải Gaza nhưng nước này từ chối. Như vậy, sau cuộc chiến 6 ngày đến hết năm 2005, quyền kiểm soát khu vực này do Israel nắm giữ. Dải Gaza không được quốc tế công nhận là phần lãnh thổ của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào. Thế nhưng, theo RIA Novosti, mảnh đất này được Liên Hiệp Quốc tách ra để thành lập nhà nước Palestine. Kể từ tháng 6-2007, quyền kiểm soát thực sự vùng đất này nằm trong tay Chính phủ Hamas.
Hamas đối đầu Fatah
Dải Gaza được coi là một trong những nơi có dân số thấp nhất thế giới. Nguồn thu nhập chủ yếu của cư dân địa phương là xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp vào Israel. Thế nhưng, sau intifada Al-Aqsa (cuộc nổi dậy thứ hai) năm 2000, Israel đã đóng cửa biên giới.
Ngày 15-8-2005, trong khuôn khổ kế hoạch đơn phương phân ranh giới, Israel đã di tản các cư dân Do Thái (8.500 người) và quân đội ra khỏi khu vực này. Đến ngày 22-8-2005, toàn bộ cư dân người Do Thái đã rời khỏi Dải Gaza. Ngày 12-9-2005, người lính Israel cuối cùng được rút ra khỏi đây, chấm dứt 38 năm chiếm đóng Dải Gaza của Israel.
Người dân Dải Gaza ít khi được sống trong cảnh yên tĩnh. Ảnh: RIA NOVOSTI
Trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên được tiến hành ngày 25-1-2006 trên lãnh thổ Dải Gaza, tổ chức Hamas đã bất ngờ giành được 74/133 ghế tại Hội đồng Lập pháp Palestine. Theo RIA Novosti, sự kiện đó đã trở thành nguyên nhân của cuộc khủng hoảng quốc tế. Sau thắng lợi này, Hamas không muốn công nhận các thỏa thuận mà người Palestine đã ký kết với Israel trước đây và khước từ giải giáp các chiến binh của mình. Hậu quả là cộng đồng quốc tế bắt đầu tẩy chay Palestine về mặt tài chính.
Sau đó, sự kiện các chiến binh Hamas bắt cóc một binh sĩ Israel đã trở thành cái cớ để Israel tiến hành chiến dịch quân sự ở Dải Gaza.
Tháng 2-2007, các lãnh tụ Fatah và Hamas đã đạt được một thỏa thuận về sự hợp nhất của người Palestine và một chính phủ liên minh đã ra đời.
Cũng theo RIA Novosti, thời gian sau đó, cộng đồng quốc tế liên tục yêu cầu chính phủ mới của người Palestine công nhận Israel, giải giáp các chiến binh và ngưng hoạt động vũ lực. Tiếp đó, các cuộc đàm phán ba bên giữa Mỹ, nhà nước tự trị Palestine và Israel đã kết thúc mà không đạt được kết quả gì. Tháng 6-2007, thông qua con đường quân sự, Hamas đã giành được chính quyền ở Dải Gaza và tuyên bố ý định thành lập ở đó một nhà nước Hồi giáo. Đáp lại, ngày 14-6-2007, người đứng đầu nhà nước tự trị Palestine Mahmud Abbas, cũng là lãnh tụ Fatah - đối thủ của Hamas - đã tuyên bố giải tán chính phủ mà Hamas chiếm ưu thế, tiến hành chế độ tình trạng khẩn cấp trong khu vực và thâu tóm toàn bộ quyền hành vào tay mình. Lúc đó, Palestine bị chia cắt thành hai tổ chức thù địch. Lãnh tụ nhà nước tự trị Palestine Mahmud Abbas thành lập chính phủ của mình ở Bờ Tây sông Jordan và gọi các chiến binh Hamas là những kẻ khủng bố.
Israel: Dải Gaza là thù địch
Tháng 10-2007, Israel tuyên bố tổ chức nhà nước ở Dải Gaza là thù địch và tiến hành phong tỏa kinh tế từng phần vùng đất này, như ngắt điện định kỳ, ngừng cung cấp các trang thiết bị năng lượng... Cùng lúc đó, ở Bờ Tây sông Jordan, Israel tiến hành chính sách “thôn tính từ từ”, thành lập một cách tự tiện các khu dân cư Israel trên vùng lãnh thổ đã được Liên Hiệp Quốc quyết định dành cho nhà nước Palestine. Tính đến tháng 12-2007, đã có 271.400 người Do Thái sinh sống trong các làng mạc ở Judea và Samaria.
Ngoài ra, trên các vùng lãnh thổ của người Palestine cũng có những thành phố mà người Do Thái đã định cư từ xa xưa, như Hebron, Jerusalem... Một phần lớn cư dân người Ả Rập ở các thành phố này đã và đang có thái độ thù địch với người Do Thái và ở các khu dân cư này đã không ít lần xảy ra các cuộc tàn sát người Do Thái. Thế nhưng, trong cuộc chiến 6 ngày, người Do Thái đã miễn cưỡng rời bỏ nơi này. Sau này, khi quân đội Israel chiếm đóng Hebron, họ lại kéo nhau trở về đó.
Tháng 2-2008, xung đột tăng lên khi người Palestine bắn tên lửa vào các thành phố Israel, còn quân đội Israel tấn công các chiến binh Palestine. Cho đến tháng 11-2008, Israel đã bao vây Dải Gaza để phản ứng lại việc Hamas bắn tên lửa và đạn cối vào lãnh thổ Israel. Hiện nay, theo lời các quan chức Israel, quân đội nước này đang tấn công tổng lực Dải Gaza nhằm mục đích tiêu diệt triệt để các địa điểm phóng tên lửa vào Israel. Lẽ tất nhiên, người dân Dải Gaza đang phải gánh chịu toàn bộ những khổ đau do cuộc chiến này đem lại. Bao nhiêu năm qua và cho đến tận bây giờ, đây vẫn là vùng đất bất an. Tình trạng này sẽ kéo dài đến bao giờ, đó là một câu hỏi chưa có lời đáp.
Hamas và Fatah ở Dải Gaza
Hamas, có nghĩa là Phong trào Kháng chiến Hồi giáo, được thành lập năm 1987, khi nổ ra intifada (cuộc nổi dậy) thứ nhất. Đây là tổ chức bán quân sự của người Palestine theo dòng Sunni Hồi giáo, hiện đang nắm giữ đa số ghế trong Hội đồng Lập pháp Palestine.
Fatah là đảng chính trị lớn của người Palestine và là phái lớn nhất trong Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Dù đã phải chịu trách nhiệm về một số lớn các vụ khủng bố ở cả Israel lẫn Lebanon, Fatah vẫn không bị bất kỳ chính phủ nào coi là tổ chức khủng bố.
NGÔ SINH
File đính kèm:
- Lich su xung dot A Rap Israel.doc