Phần 1. Vị trí địa lí và sự phân chia hành chính (gồm các nội dung: Vị trí địa lí; Sự phân chia hành chính).
Phần 2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên (gồm các nội dung: Địa hình; Khí hậu; Thủy văn; Đất đai; Rừng; Động, thực vật; Biển; Sông, hồ; Khoáng sản).
Phần 3. Dân số (gồm các nội dung: Động lực tăng dân số; Kết cấu dân số; Sự phân bố dân cư; Giáo dục; Truyền thống văn hóa - lịch sử).
Phần 4. Hoạt động sản xuất của người dân Hà Tĩnh (gồm các nội dung: Nông nghiệp; Lâm nghiệp và Thuỷ sản; Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp).
Phần 5. Giao thông vận tải, thương mại và du lịch (gồm các nội dung: Giao thông vận tải; Thương mại và du lịch).
30 trang |
Chia sẻ: lantls | Lượt xem: 3900 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Địa lí Hà Tĩnh tài liệu bồi dưỡng thường xuyên (dành cho cấp tiểu học), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
từ xa xưa đến nay, mỗi gia đình ở Cẩm Nhượng đều có từ 5 đến 7 vại nước mắm muối để trong nhà.
- Làng Yên Lạc: Thuộc xã Quang Lộc - Can Lộc, chuyên làm áo tơi (biểu tượng của người dân Nghệ Tĩnh).
CÂU HỎI
1. Nêu những hoạt động sản xuất chính của người dân Hà Tĩnh.
2. Kể tên một số làng nghề truyền thống của Hà Tĩnh.
3. Trong những năm gần đây, Hà Tĩnh đã làm gì để phát triển ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ?
BÀI 5. GIAO THÔNG VẬN TẢI, THƯƠNG MẠI VÀ DU LỊCH
I. Giao thông vận tải
Hà Tĩnh cách Hà Nội 350km về phía Bắc, cách thành phố Vinh (Nghệ An) khoảng 50km. Hà Tĩnh có mạng lưới giao thông vận tải tương đối hợp lý, bao gồm các loại hình vận tải như đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển, trong đó đường bộ giữ vai trò quan trọng.
Lược đồ giao thông vận tải và các vùng kinh tế Hà Tĩnh
1. Đường bộ
Quốc lộ 1A qua địa phận Hà Tĩnh dài 126 km, chạy dọc từ cầu Bến Thuỷ qua huyện Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc, huyện Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên và huyện Kỳ Anh.
Quốc lộ 8A nối thị xã Hồng Lĩnh với Cửa khẩu Cầu Treo (Hương Sơn) dài 90 km (là con đường đẹp nhất Việt Nam năm 1999).
Quốc lộ 15A qua tỉnh Hà Tĩnh từ Xã Trường Sơn - Đức Thọ đến La Khê dài 90,4 km, trong đó có 15,4km đi chung với quốc lộ 8A và đường Hồ Chí Minh.
Đường Hồ Chí Minh qua 3 huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang có chiều dài trên 80 km.
Quốc lộ 12 nối cảng biển nước sâu Vũng Áng với cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) và thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn (Lào) sang vùng Đông - Bắc Thái Lan đang được thi công. Đây là đường nối hành lang Đông – Tây ngắn nhất, đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng vùng đất bao la miền Tây Hà Tĩnh, Quảng Bình và biên giới Việt - Lào.
Hà Tĩnh còn có 28 tuyến Tỉnh lộ với chiều dài 379,2 km, 45 tuyến đường liên huyện với chiều dài 1.345 km và đường ô tô từ huyện tới 262 xã, phường, thị trấn với 3.623 km, tạo nên mạng lưới giao thông thuận lợi.
2. Đường sắt
Đường sắt Bắc – Nam đi qua địa phận Hà Tĩnh dài 71km (qua ba huyện Đức Thọ, Vũ Quang, Hương khê).
Trong suốt các tuyến đường sắt có nhiều nhà ga hành khách và hàng hoá với 4 nhà ga lớn: Yên Trung, Đức Lạc (Đức Thọ), Chu Lễ và Tân Ấp (Hương Khê) thuận lợi cho trao đổi hàng hoá của các vùng dân cư của các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, các tuyến đường từ các trung tâm kinh tế nối vào đường sắt còn thiếu, do đó phát huy tác dụng của đường sắt vào phát triển kinh tế còn hạn chế.
3. Đường thuỷ
Hà Tĩnh có 9 tuyến sông với tổng chiều dài 437 km, hầu hết là các sông nhỏ, mang đặc điểm chung của sông, kênh miền Trung là độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh, chiều dài khai thác vận tải ngắn.
4. Hải cảng
- Cụm cảng biển Vũng Áng: Với các cảng tổng hợp và cảng chuyên dùng, phục vụ công nghiệp cơ khí, luyện cán thép, đóng và sửa chữa tàu thuỷ, hoá dầu và đặc biệt là để giúp nước bạn Lào xuất, nhập khẩu hàng hoá, mở rộng buôn bán với các nước. Các mặt hàng qua cảng chủ yếu là gỗ, vật liệu xây dựng, xi măng, phân bón, máy móc thiết bị, quặng Imenite và một số hàng ngoại thương khác, chủ yếu là hàng nội địa, chưa có hàng của Lào.
Cảng Vũng Áng (Kỳ Anh)
- Cảng sông Xuân Hải: nằm ở bờ phải sông Lam, cách cầu Bến Thủy khoảng 8km. Cảng Xuân Hải hiện nay đã có 2 bến được thiết kế đủ điều kiện tiếp nhận tàu 2.000 tấn. Cảng Xuân Hải chủ yếu là cảng phục vụ vận chuyển hàng hóa nội địa. Tuy nhiên, cảng cũng phục vụ cho việc vận chuyển gỗ của Lào tới các cảng biển khác của Việt Nam. Lượng hàng thông qua cảng Xuân Hải chỉ khoảng 60 ~ 80.000tấn/năm. Hạn chế của cảng Xuân Hải là độ sâu ở Cửa Hội của sông Lam, ở đây cao độ đáy của luồng tàu chỉ khoảng -1,5 ~ -2,0m.
Cảng Xuân Hải (Nghi Xuân)
- Cảng sông Hộ Độ: nằm ở bờ tả sông Nghèn có chiều dài bến 140m, độ sâu cảng 9m có khả năng tiếp nhận tàu tới 1000 tấn. Là cảng chuyên dụng cho quốc phòng.
Ngoài những cảng và bến sông chính, Hà Tĩnh còn có 15 bến khách ngang sông trên luồng quốc gia (trên các sông La, sông Lam, sông Rào Cái, sông Nghèn); 44 bến khách trên luồng tỉnh quản lý và 3 bến trên hồ đập (Bến hồ nhà Đường, bến hồ Cửa Thờ, bến hồ sông Rác). Các bến này phần lớn ở dạng tạm hoặc bán vĩnh cửu, không đảm bảo an toàn cho việc bốc xếp hàng hoá, hành khách lên xuống tàu, bến.
(Nguồn: Sở GTVT Hà Tĩnh)
II. Thương mại và Du lịch
1. Thương mại và dịch vụ
Kinh tế thương mại dịch vụ Hà Tĩnh những năm gần đây phát triển khá, GDP của ngành thương mại dịch vụ chiếm hơn 33% trong GDP toàn tỉnh Hà Tĩnh. Tại khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, khu công nghiệp cảng biển Vũng Áng, khu công nghiệp Gia Lách - Nghi Xuân, tỉnh đã có các cơ chế chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, thành phần kinh tế trong tỉnh để phát triển thương mại - du lịch - dịch vụ đáp ứng với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Mạng lưới thương mại Hà Tĩnh ngày càng được mở rộng, hệ thống siêu thị, cửa hàng, đại lý bán lẻ hàng hoá ở đô thị và hệ thống chợ ở nông thôn phát triển nhanh (toàn tỉnh hiện có 165 chợ với 18.092 hộ kinh doanh, mạng lưới bán lẻ xăng dầu hiện có 110 cửa hàng), văn minh thương mại đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thương mại biên giới, thương mại điện tử, xúc tiến thương mại... cũng có bước phát triển đáng kể.
Vận tải hàng hoá qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo Tàu vào ăn hàng tại cảng Vũng Áng
Mua sắm trong siêu thị BMC Trung tâm thương mại Chợ Hà Tĩnh
Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và các hộ kinh doanh cá thể tham gia ngày càng nhiều trong lĩnh vực thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống nhân dân. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng theo từng năm, tuy nhiên bình quân theo đầu người thấp so với mức bình quân chung của cả nước, nguồn hàng xuất khẩu nội tỉnh còn nghèo nàn, manh mún, chủ yếu vẫn chỉ là hàng nông - lâm sản, khoáng sản thô, chưa có mặt hàng có hàm lượng công nghệ và chế biến sâu, có giá trị cao.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Khoáng sản (Mangan, Inmenite, Zircol, than, Rutil), nông sản (lạc nhân, chè, các loại rau quả chế biến, thịt gia súc - gia cầm), lâm sản (gỗ dăm, sản phẩm gỗ, nhựa thông, mây tre đan, mủ cao su, tinh dầu trầm hương), thủy sản qua chế biến (tôm, mực đông lạnh ), hàng dệt may - da giày và xuất khẩu lao động… Các mặt hàng nhập khẩu: Phân bón, nguyên liệu, máy móc, phụ tùng, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng thiết yếu.
(Nguồn: Sở Công Thương Hà Tĩnh)
2. Ngành du lịch
Hà Tĩnh có 137 km bờ biển với 4 cửa sông chính, nhiều lạch, tạo nhiều bãi biển đẹp như Cửa Sót, Thiên Cầm, Thạch Hải, Ðèo Con, Xuân Thành, Chân Tiên. Các bãi biển đa số phân bố dọc theo quốc lộ 1A nên rất thuận tiện cho du khách đến tham quan và nghỉ ngơi.
Khu du lịch sinh thái Nước Sốt (Sơn Kim) với mỏ nước khoáng thiên nhiên đạt tiêu chuẩn quốc tế, là nơi du lịch dưỡng bệnh cho du khách trong và ngoài nước, khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang, khu du lịch sinh thái Kẻ Gỗ… làm cho Hà Tĩnh trở nên sôi động bởi các hoạt động kinh doanh thương mại, du lịch, dịch vụ đến từ hai miền Nam - Bắc và các du khách quốc tế.
Biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) Biển Thạch Hải (Thạch Hà)
Hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Mỹ - Cẩm Xuyên) Suối nước nóng Sơn Kim (Hương Sơn)
Hà Tĩnh có nguồn tài nguyên văn hoá nhân văn phong phú, lâu đời với 328 di tích, trong đó có 58 di tích – thắng cảnh đã được xếp hạng quốc gia. Đây là vùng đất có nhiều lễ hội, hiện nay đang cần được khôi phục như lễ hội Rước Hến (Đức Thọ), lễ hội Xuân Điền, lễ hội chùa Hương Tích (Can Lộc), lễ hội Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên), đền Củi (đền Bà Chúa Kho ở Nghi Xuân), đền Chiêu Trưng (Thạch Kim-Lộc Hà), đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Ninh-Kỳ Anh)… với nhiều nghi lễ, trò chơi dân gian hấp dẫn du khách.
Chùa Hương Tích Hội đền Chiêu Trưng (Lê Khôi)
Hoành Sơn quan Khu lăng mộ cố Tổng bí thư Trần Phú (Đức Thọ)
Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc Khu lưu niệm Nguyễn Du
Hà Tĩnh nổi tiếng về "Văn vật Hồng Lam" với các di chỉ khảo cổ rú Dầu, rú Rơm và Di chỉ Thạch Lạc. Di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc nằm trên hai quả gò ở giữa 4 thôn: Bình Lạc, Thuỷ Lạc, Thanh Sơn và Biên, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Di chỉ là tiêu biểu cho văn hoá khảo cổ Thạch Lạc.
Các nhà khảo cổ tiến hành khai quật lần đầu vào năm 1963, trên diện tích rộng 1500m2. Tầng văn hoá dày đến 2,70m được cấu tạo bởi các vỏ sò huyết. Hiện vật có 103 đồ đá như: rìu tứ diện, bàn mài, hòn ghè, bi gốm, suối chỉ, nhiều xương răng động vật; đồ gốm ở đây có nhiều loại được xác định qua mảnh vỡ như: nồi, bình, vò, âu.
Năm 2002 khai quật tiếp trên diện tích 100m2, thu được gần 150 chiếc rìu và nhiều công cụ khác bằng đá như bàn chày nghiền, bàn kê và hàng chục mảnh vỡ đồ gốm, các vòng trang sức làm bằng xương và gốm. Đặc biệt còn tìm thấy một bộ xương người chôn theo tư thế nằm ngửa kèm theo bên là một chiếc rìu đá. Theo xác định ban đầu, di cốt này có niên đại cách ngày nay từ 3.000 - 3.500 năm.
Dãy Hoành Sơn còn lưu giữ lũng cổ đắp ghép từ thế kỷ thứ 4. Mới đây, nhóm nghiên cứu khảo cổ học Hà Tĩnh vừa phát hiện đoạn thành lũy cổ bằng đá nằm ở đỉnh Đèo Bụt thuộc địa bàn xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh. Khảo cứu ban đầu được biết, thành lũy cổ trên là một đoạn còn lại trong hệ thống lũy cổ Lâm Ấp (thời kỳ Đại Việt - Chăm Pa) kéo dài từ Tây sang Đông với độ dài khoảng trên 30km do chúa Lâm Ấp là Phạm Văn (345-375) khởi công xây dựng để bảo vệ biên giới. Lũy bắt đầu từ địa phận làng Ngưu Sơn tổng Hoằng Lễ (nay là xã Kỳ Nam, Kỳ phương) kéo tận lên làng Xuân Quan, Xuân Sơn tổng Vọng Liêu (nay là xã Kỳ Lạc), chỗ được ghép bằng đá, chỗ đắp bằng đất và xây dựng dựa vào dãy Hoành Sơn. Đến giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh (đợt thứ 5 - 5/1655-5/1659) thì hệ thống lũy này được chúa Trịnh Toàn củng cố thêm nên người dân còn gọi là lũy ông Ninh (Ninh Quận công - Trịnh Toàn).
(Nguồn: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh)
CÂU HỎI
1. Hà Tĩnh có những loại hình giao thông nào ? Hiện nay, Hà Tĩnh đã làm gì để phát huy lợi thế các loại hình giao thông đó ?
2. Hà Tĩnh xuất khẩu và nhập khẩu những mặt hàng gì là chủ yếu ?
3. Nêu những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch ở Hà Tĩnh.
File đính kèm:
- diali ht.doc