Cùng với viết đúng, diễn đạt đúng bằng chữ viết thì đọc đúng có nhiệm vụ lớn lao là trao cho các em cái chìa khoá để vận dụng chữ viết khi học tập. Khi biết đọc, biết viết, các em có điều kiện nghe lời thầy giảng trên lớp, sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo,. Đọc được tốt không những giúp học sinh rèn luyện kĩ năng "nghe, đọc, nói, viết" mà còn tạo điều kiện cho các em học tốt các môn học khác.
5 trang |
Chia sẻ: badger15 | Lượt xem: 885 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Rèn kĩ năng đọc cho học sinh yếu lớp 2, 3 năm học 2006 - 2007, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
phòng giáo dục diễn châu
trường tiểu học diễn thành
--------------&---------------
Người thực hiện: Cao Thị Thu
Đơn vị công tác: Trường Tiểu học Diễn Thành huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An
Tháng 5 năm 2007
I-lý do chọn đề tài nghiên cứu, thực hiện
Cùng với viết đúng, diễn đạt đúng bằng chữ viết thì đọc đúng có nhiệm vụ lớn lao là trao cho các em cái chìa khoá để vận dụng chữ viết khi học tập. Khi biết đọc, biết viết, các em có điều kiện nghe lời thầy giảng trên lớp, sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo,... Đọc được tốt không những giúp học sinh rèn luyện kĩ năng "nghe, đọc, nói, viết" mà còn tạo điều kiện cho các em học tốt các môn học khác.
Tuy nhiên trong thực tế dạy học, một bộ phận học sinh ở các khối lớp (từ lớp 1 đến lớp 5) vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiến hành đọc một văn bản. Việc đọc thông, viết thạo chưa thuộc về kỹ năng của các em. Do vậy chất lượng học tập của các em đang ở mức thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ học tập phân môn Tập đọc và vận dụng vào các môn học khác.
Làm thế nào để giúp bộ phận học sinh yếu này biết đọc thông viết thạo góp phần nâng cao chất lượng học tập của học sinh?
II-Thực trạng
Mặc dầu hầu hết các giáo viên đã xác định nhiệm vụ quan trọng là bồi dưỡng học sinh yếu ngay trong từng tiết học. Song, với thời lượng dạy học của một tiết học, một buổi dạy và khối lượng kiến thức bắt buộc phải hoàn thành đã phần nào không cho phép giáo viên quan tâm đến học sinh yếu một cách tối đa. Chưa kể đến trường hợp các em quá yếu, chưa hề biết đọc, viết, giáo viên không thể vừa dạy tập đọc lại vừa dạy âm vần để ghép thành tiếng cho học sinh được. Cho nên chất lượng học tập của các em vẫn chưa được cải thiện một cách đáng kể.
III-Nhận thức mới-biện pháp thực hiện
1-Nhận thức mới:
Vấn đề dạy học sinh yếu đã được nhà trường - bộ phận chuyên môn và toàn thể giáo viên quan tâm một cách xứng đáng. Nhà trường đã làm tốt công tác tuyên truyền, vấn đề quan tâm đến học sinh yếu được đề cập đến, chỉ đạo thực hiện hàng tháng, hàng kỳ, quan các cuộc họp Chi bộ, họp Hội đồng giáo viên, họp Tổ chuyên môn, Đối tượng học sinh yếu được xem là đối tượng trung tâm của tiết học. Mặt khác, nhà trường tổ chức lớp học riêng (mỗi khối 1 lớp) để giáo viên có điều kiện quan tâm hơn về mặt thời gian, tính vừa sức cho học sinh cho từng tiết học riêng đó với hy vọng giúp các em bổ sung phần nào việc tiếp thu bài ở lớp được tốt hơn.
2-Biện pháp thực hiện:
Là người chịu trách nhiệm bồi dưỡng học sinh yếu các khối lớp 1, 2, 3 tôi đã nghiên cứu, trăn trở nhiều và áp dụng thực hiện một số biện pháp đối với phân môn Tập đọc bước đầu có hiệu quả. Cụ thể như sau:
a.Về phía giáo viên:
-Đầu tư tối đa về mặt thời gian, nghiên cứu, theo dõi từng đối tượng. Phân học sinh theo đối tượng. Có thể không em nào yếu giống em nào. Với một thưòi lượng dạy học nhất định làm thế nào để bổ sung được cho các đối tượng một cách đầy đủ, vừa sức, hợp lý nhất điều đó yêu cầu giáo viên phải hết sức nhiệt tình, năng động, quán xuyến toàn bộ lớp học, điều chỉnh, phân việc cho học sinh hoạt động chủ yếu là tự học.
Ví dụ: Riêng phân môn Tập đọc giáo viên phải xác định rõ em nào yếu về kỹ năng đọc đúng, em nào yếu kĩ năng đọc hiểu. Em này đọc to nhưng hay sai về lỗi phát âm ; hoặc ngữ điệu, ngắt nghỉ sai ở cụm từ, từ. Em này đọc nhỏ, ngắc ngứ, thiếu tự tin trong khi đọc
- Kết hợp tốt việc đọc thông viết thạo. Hoạt động viết cũng là hoạt động hổ trợ cho các em đọc đúng. Việc thể hiện các tiếng vừa đọc đó vào chữ viết, nghe để viết lại, đọc để viết cũng là hình thức giúp việc đọc tốt hơn.
-Tạo không khí thi đua trong lớp học. Một thành tích hay một sự tiến bộ nhỏ nhất đem khuyến khích thi đua để các em phấn đấu được như bạn. Không tỏ thái độ chê bai, dè bỉu các em bằng thái độ hoặc lời nói.
-Xác định tính vừa sức. Đồi tượng yếu ở lớp 1, 2, 3 mức độ yêu cầu đọc đúng là chủ yếu. Chưa đặt yêu cầu đọc hiểu là bắt buộc. Vì vậy phải dành thời gian luyện đọc đúng nhiều nhất.
-Hướng dẫn đọc đúng, không ngắc ngứ mà phải đọc đúng, đọc rõ từng cụm từ, từ, câu. Hiện tượng đọc tiếng một hoặc hai, ba tiếng là hầu hết đối với tất cả các em. Không chỉ riêng câu văn dài mà đối với câu văn bình thường các em cũng ngắt nghỉ chưa đúng.
-Hướng dẫn các em tập phóng xa trường nhìn (độ rộng của mắt khi đọc).
Ví dụ: Khi đọc bài Người đi săn và con vượn (Tiếng việt 3-tập 2) học sinh đọc đoạn:
"Bỗng/ vượn mẹ/ nhẹ/ nhàng/ đặt con/ xuống, vơ/ vội nắm bùi nhùi/ gối lên đầu con, rồi/ nó hái cái/ lá to, vắt/ sữa vào và/ đặt lên miệng con".
Cũng có em ngắt nghỉ như sau:
"Bỗng vượn mẹ nhẹ/ nhàng đặt con xuống, vơ/ vội nắm bùi nhùi gối/ lên đầu con,/ rồi nó hái cái lá/ to, vắt sữa vào và đặt/ lên miệng con".
Khi đó giáo viên phải hướng dẫn và tập cho các em xác định ngắt nghỉ như vậy là không đúng, dẫn đến sai nghĩa cụm từ, ý câu. Vì vậy cần phải ngắt nghỉ hơi đúng dọc phải hết cụm từ hoặc dấu chấm, phẩy mới được ngắt câu cụm từ để phân nghĩa.
Hướng dẫn phóng trường nhìn rộng ra khi đọc. Giáo viên chỉ vào "vượn mẹ" yêu cầu học sinh nhìn vào (cả lớp) mở rộng tầm nhìn và đọc bằng mắt từ đứng sau. Hỏi: Em nào đọc từ "vượn mẹ" và nhìn thấy "nhẹ nhàng" ? Em nào chưa quen thì giáo viên uốn nắn thêm. Tập dần cho các em nhìn rộng ra dần "nhẹ nhàng đặt con xuống". Như vậy cùng với hoạt động của miệng thì mắt cũng phải song song làm việc, nới rộng tầm nhìn ra. Tập nhiều lần các em sẽ có trường nhìn rộng dần và phát hiện dấu câu, cụm từ phía sau để ngắt nghỉ đúng. Nếu việc uốn nắn theo độ rộng của mắt thường xuyên, có thủ pháp thì các em đọc tiến bộ rất nhanh, tránh tình trạng đọc ngắc ngứ một tiếng hoặc hai, ba tiếng một, giảm hiện tượng ngắt nghỉ câu sai.
-Chỉ vào bảng bất kỳ tiếng nào, yêu cầu học sinh đọc tránh hiện tượng đọc vẹt, đọc thuộc (chủ yếu ở lớp 1, 2, 3) trong hoạt động cá nhân. Yêu cầu đọc tiếp bất kỳ một đoạn nào, tránh hiện tượng thiếu tập trung.
b.Về phía học sinh:
Trong tiết bồi dưỡng học sinh yếu, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, giám sát còn học sinh chính là những người thi công. Hoạt động tự học, tự đọc của học sinh chiếm hầu hết thời lượng tập đọc. Vì vậy đối với học sinh phải thực hiện tốt các biện pháp sau:
-Tự giác đọc, khi bài đọc ở bảng, ở sách thì mình phải tự giác đọc trong sách, có thể bản thân em còn phải tự đánh vần để đọc, không lơ đảng khi bạn đọc, không đọc vẹt, hoặc đọc giã vờ.
-Đọc nhẩm, đọc thầm bằng mắt, đọc cho bạn nghe, nghe bạn đọc, tuỳ vào hoạt động học do giáo viên tổ chức và yêu cầu.
-Nhanh mắt, chú ý cao, không lơ đảng hoặc ngồi im. Hoạt động của học sinh phụ thuộc vào tính tự giác của các em. Nhưng đối với đối tượng học sinh yếu thì giáo viên phải hết sức quán xuyến, phát hiện kịp thời, nhắc nhở đôn đốc, phải "dồn" các em học. Bởi vì một số em chưa chú ý (học sinh yếu hay mắc phải). Giáo viên "dồn" học phải nhẹ nhàng các em mới đọc.
-Một yêu cầu không kém phần quan trọng nữa là học sinh phải tự đọc bài ở nhà nhiều lần. Tự giác đọc bài ở nhà mà giáo viên ra đọc ở nhà, hôm sau cô sẽ kiểm tra. Việc đọc bài ở nhà cũng hết sức cần thiết. Đọc to, đọc vào bất kì thời gian nào khi ở nhà.
iv-kết quả đạt được
Với thời gian dạy mỗi khối lớp 1 buổi/tuần. Bản thân tôi cũng không có tham vọng gì nhiều. Mặt khác, con đường này cũng chưa ai tạo ra con đường đi chung cho tất cả mọi người, chưa có một hướng dẫn cụ thể nào. Song, bằng lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm và một ít kinh nghiệm trong dạy học. Tôi đã mạnh dạn tìm hiểu, nghiên cúu và đưa ra áp dụng trong thời gian trực tiếp dạy các em. Thiết nghĩ phần nào bản thân đã cùng với các giáo viên trực tiếp đứng lớp giúp các em có kĩ năng đọc tốt hơn. Góp phần nâng cao chất lượng học tập cho các em. Chúng ta đều biết: Đối với các em (học sinh yếu) đọc thông, viết thạo là một hạnh phúc lớn lao. Biết đọc, biết viết là cả một thế giới mở ra trước mắt các em. Bản thân tôi cũng cảm nhận được phần nào niềm hạnh phúc đó. Xin được chia sẻ cũng các em, cùng bạn bè đồng nghiệp.
Trên đây là một số kinh nghiệm được rút ra trong quá trình bồi dưỡng học sinh yếu có kĩ năng đọc tốt ở năm học này. Rất mong được sự góp ý của bạn đồng nghiệp và hội đồng khoa học nhà trường.
Xin chân thành cảm ơn!
Diễn Thành, ngày 24 tháng 5 năm 2007
Người viết
Cao Thị Thu
File đính kèm:
- SKKN ren ky nang doc cho hoc sinh yeu lop 23.doc