Ở bậc tiểu học bộ môn Tiếng Việt giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh. Thông qua các bài học Tiếng Việt giúp các em hiểu biết thêm nhiều điều mới lạ về cuộc sống , về xã hội , về con người, về việc tu dưỡng đạo đức và vốn từ Vì thế để dạy tốt bộ môn Tiếng Việt là việc rất cần thiết , đối với lớp 1 lại càng quan trọng hơn vì các em có biết đọc, biết viết thì mới có thể tiếp thu và học tốt các bộ môn khác. Lớp 1 khi đến trường các em chưa biết mặt chữ , chưa biết viết, mọi hoạt động về học tập đều còn bỡ ngỡ. Vậy làm thế nào qua mỗi tiết học vần các em có thể nhớ được âm mới, vần mới, hiểu được nghĩa của tiếng, từ mà các em được học ?
4 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1767 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Báo cáo tham luận Chuyên đề: giúp học sinh chưa qua mẫu giáo trong việc học âm – vần, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BÁO CÁO THAM LUẬN CHUYÊN ĐỀ:
GIÚP HỌC SINH CHƯA QUA MẪU GIÁO
TRONG VIỆC HỌC ÂM – VẦN
I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Ở bậc tiểu học bộ môn Tiếng Việt giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh. Thông qua các bài học Tiếng Việt giúp các em hiểu biết thêm nhiều điều mới lạ về cuộc sống , về xã hội , về con người, về việc tu dưỡng đạo đức và vốn từ…Vì thế để dạy tốt bộ môn Tiếng Việt là việc rất cần thiết , đối với lớp 1 lại càng quan trọng hơn vì các em có biết đọc, biết viết thì mới có thể tiếp thu và học tốt các bộ môn khác. Lớp 1 khi đến trường các em chưa biết mặt chữ , chưa biết viết, mọi hoạt động về học tập đều còn bỡ ngỡ. Vậy làm thế nào qua mỗi tiết học vần các em có thể nhớ được âm mới, vần mới, hiểu được nghĩa của tiếng, từ mà các em được học ?
II. THỰC TRẠNG:
Trường tiểu học Hiệp Thành là một trường vùng ven thị xã , đa số học sinh gia đình làm rẫy, làm vuông, làm thuê và không ít học sinh người dân tộc … cuộc sống còn khó khăn nên ít có thời gian quan tâm, chăm sóc con cái. Vì vậy, số học sinh chưa qua mẫu giáo còn chiếm trên 20% trên tổng số học sinh khối 1. Khi đến trường , những em này thường nhút nhác, thiếu tự tin trong học tập . Về nhà, thiếu sự quan tâm hỗ trợ dạy dỗ của gia đình nên các em thường học kém hơn những bạn khác.
Thực tế cho thấy không chỉ riêng những học sinh chưa qua mẫu giáo không biết chữ cái mà ngay cả những em đã qua mẫu giáo vẫn còn những em chưa thuộc 29 chữ cái hoặc thuộc chưa hết 29 chữ cái.Vì thế, khi vào học lớp 1 là một vấn đề rất khó khăn đối với giáo viên trong việc giảng dạy.
Là giáo viên dạy lớp 1 nhiều năm, tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm trong việc dạy học sinh chưa qua mẫu giáo học âm, vần một cách có hiệu quả hơn.
III. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN:
1. Giúp HS đọc đúng âm, vần.
- Vào đầu năm học giáo viên kiểm tra xem những em nào chưa thuộc 29 chữ cái ghi danh sách riêng để đưa ra các biện pháp dạy phù hợp.GV kiểm tra từng em, để tránh đọc vẹt GV kiểm không theo thứ tự bảng chữ cái.
- Khi sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh tôi cố ý sắp những em này ngồi phía trên để tiện theo dõi khi em đọc bài và sửa bài khi em viết sai.
- Ngoài ra, tôi còn xếp những em này ngồi gần những em học giỏi để các em giỏi có thể giúp bạn thêm. Bằng cách: đầu giờ, giờ ra chơi hoặc cuối buổi em giỏi dạy em yếu đọc lại bài vài lần.
- Trong tiết học âm, vần những học sinh yếu sẽ được giáo viên thường xuyên gọi đọc bài nhiều hơn các bạn khác.
- Những học sinh yếu sẽ được giáo viên kiểm tra bài cũ mỗi ngày, trong quá trình kiểm tra giáo viên tìm xem còn em nào vẫn chưa nhớ âm, vần đã học. Nếu học sinh nào chưa nhớ bài cũ giáo viên sẽ dạy ôn lại vào giờ ra chơi hoặc cuối mỗi buổi học, nếu học sinh vẫn chưa nhớ giáo viên tiếp tục dạy kèm các em vào các buổi tiếp theo.
- Trong lúc kiểm tra bài cũ, GV đưa thêm một số tiếng, từ khác có cùng âm, vần cho HS đọc, tránh đọc vẹt ở nhà.
- Để củng cố lại những âm, vần đã học, đầu năm học trường tôi lập bảng ghi toàn bộ những âm, vần của lớp1 treo trước lớp. Mỗi ngày GV đều cho học sinh đọc lại những âm, vần đã học. Đối với những học sinh chậm nhớ thì giáo viên cho những em đó đọc nhiều lần vào đầu giờ, giờ ra chơi hoặc cuối mỗi buổi học.
- Muốn cho học sinh phát âm đúng thì giáo viên phải phát âm thật chuẩn, rõ ràng. Chỉ dẫn kỹ cách phối hợp vị trí của lưỡi, miệng, môi khi dạy học sinh phát âm, GV phát âm to, rõ ràng vài lần cho cả lớp nghe và nhìn thấy miệng của GV.
VD:
+ Khi phát âm l, lưỡi cong lên chạm lợi, hơi đi ra phía hai bên rìa lưỡi,xát nhẹ
+ Khi phát âm n, đầu lưỡi chạm lợi, hơi thoát ra qua cả miệng và mũi.
- Trong quá trình học sinh phát âm giáo viên phải thật chú ý và chỉnh sửa kĩ việc phát âm cho HS.
- Cần chú ý cho học sinh so sánh phân biệt những âm vần dễ đọc nhầm lẫn như: v/d, r/g, ch/tr, x/s... hoặc những vần có âm cuối là t/c, n/ng …
VD: v đọc thành d; r đọc thành g; at đọc thành ac, ươt đọc thành ươc…
- Khi dạy đến 11 âm ghép giáo viên cần cho học sinh phân tích kĩ cấu tạo từng âm và kết hợp so sánh các âm giống nhau có cấu tạo h đứng sau để hạn chế việc nhầm lẫn giữa các âm.
VD: Phân tích âm nh có hai con chữ ghép lại, con chữ n đứng trước, con chữ h đứng sau. So sánh nh với th: giống nhau có h đứng sau, khác nhau âm nh có n đứng trước, âm th có t đứng trước.
- Với vần cũng vậy, cần cho học sinh phân tích kĩ cấu tạo và kết hợp so sánh với các vần đã học có cùng âm đầu hoặc cùng âm cuối.. Lưu ý HS tránh nhầm lẫn giữa các vần như: ia với ai; ui với iu; ao với au; ai với ay…
- Trong giờ dạy âm, vần GV cho HS sử dụng bộ chữ ghép thực hành. Bộ chữ này GV giúp các em tự tìm và ghép được những âm (vần), tiếng mới. Các thao tác lắp ghép chữ trện bảng cài có tác dụng kích thích học sinh hứng thú học tập , ghi nhớ kiến thức một cách vững chắc.
Ngoài ra giáo viên còn có thể hướng dẫn học sinh sử dụng bộ chữ này để tổ chức trò chơi như thi ghép tiếng có âm, vần vừa học. Qua trò chơi rèn luyện cho học sinh trí thông minh sáng tạo, đồng thời ôn luyện, củng cố khắc sâu kiến thức đã học một cánh chủ động, tự giác.
- Đồ dùng trực quan tranh, ảnh, vật thật minh họa cho từ cũng rất cần thiết, nếu học sinh chỉ đọc suông thôi thì các em sẽ chậm nhớ, mau quên, có tranh minh họa giúp các em khắc sâu hơn âm, vần thông qua hiểu rõ nghĩa từ khóa và từ ứng dụng. Song, những tranh, ảnh , đồ dùng trực quan cần sinh động, hấp dẫn thu hút sự chú ý của HS và phải có tính giáo dục.
- Ngoài việc giải thích từ bằng tranh ảnh giáo viên còn giải thích thêm một số từ cần thiết trong bài một cách đơn giản, dễ hiểu, cụ thể. Thông qua giải nghĩa từ giúp học sinh có thêm một số vốn từ.
- Cuối mỗi tiết học, giáo viên tổ chức cho học sinh chơi trò chơi như thi tìm , ghép những tiếng có âm, vần vừa học. Qua trò chơi các em củng cố lại âm, vần vừa học.
- Sau khi dạy xong bài mới, cần phải hướng dẫn HS cách học ở nhà và chuẩn bị một bước cho bài học sau.
- Ngoài việc dạy trên lớp GV cần phải phối hợp với phụ huynh kèm thêm cho các em học ở nhà. Để phát âm cho đúng GV có thể hướng dẫn phụ huynh một số phát âm dễ nhầm lẫn như: v/d; r/g; x/s; ch/tr…Cách ghép vần: tiếng lan đánh vần là lờ-an-lan. Một số PH đánh vần theo kiểu cũ là lờ-a-la-nờ-lan.HS rất khó đọc.
2.Giúp học sinh viết đúng
- Trước tiên giáo viên phải rèn cho học sinh tư thế ngồi chuẩn để có thể viết đúng lại không gây ra những dị tật như: cận thị, vẹo cột sống…
- Giáo viên cần hướng dẫn học sinh nhớ và phân biệt đường kẻ; cho học sinh nhận biết và học thuộc các nét cơ bản cũng như độ cao của các con chữ. Ngoài việc nắm vững đường kẻ, các nét cơ bản, độ cao con chữ, để học sinh viết đúng giáo viên cần hướng dẫn học sinh một số kĩ thuật viết như: điểm đặt bút, điểm dừng bút; kĩ thuật lia bút, rê bút; cách liên kết giữa các chữ cái thành vần, chữ; khoảng cách giữa các chữ cái và khoảng cách giữa các chữ với nhau.
- Ngoài ra, GV cần hướng dẫn HS điều tiết nét móc của một số chữ cái đứng trước hơi rộng hoặc hơi hẹp một chút để nối với nét bắt đầu của chữ cái đứng sau.
VD: Khi viết tiếng me GV cần hướng dẫn HS điều tiết nét móc từ m qua e hơi rộng, hoặc khi viết tiếng len điều tiết nét móc từ e qua n hơi hẹp lại.
- Giáo viên phải viết đúng, viết đẹp, trình bày rõ ràng mới có thể giáo dục cho sinh viết đúng đẹp hơn được. Bởi xét về tâm lí của học sinh tiểu học dường như các em luôn lấy thầy, cô giáo mình làm gương. Vì vậy, giáo viên cần phải thường xuyên luyện chữ, cập nhật ngay với mẫu chữ hiện hành. Khi viết mẫu, giáo viên cần chọn tư thế đứng ở vị trí thích hợp để tất cả học sinh quan sát được nét viết của giáo viên.
- Để nét viết được liền mạch và nhanh GV cần hướng dẫn HS viết liên tục các chữ cái trong một chữ, sau đó mới ghi dấu của các chữ cái và cuối cùng là viết dấu thanh.
- Những học sinh viết xấu, giáo viên cần có những biện pháp để giúp các em có thể viết đẹp hơn như:
+ Tập tô chữ thêm.
+ Giáo viên cầm tay ở một số nét khó viết như: nét khuyết trên, nét thắt, cách nối nét…
+ Giáo viên sửa sai cho học sinh trên bảng con.
+ Luyện viết lại những chữ học sinh viết sai, viết xấu.
+ Giáo viên nên bám sát học sinh trong quá trình viết để sửa sai kịp thời và lưu ý những lỗi hay mắc trước khi viết bài để giúp học sinh viết đúng.
+ Cho HS xem (bảng) vở của bạn viết đẹp.
+ Đặc biệt, giáo viên cần động viên, khen thưởng kịp thời những học sinh viết có tiến bộ.
IV.KẾT QUẢ:
Những biện pháp mà tôi thực hiện trong những năm học qua đã giúp cho học sinh học tốt hơn phân môn học vần cũng như môn Tiếng Việt nói chung. Học sinh ngày càng đọc tiến bộ hơn, chữ viết càng đẹp hơn. Tỷ lệ học sinh đạt trung bình môn Tiếng Việt trở lên đạt 100%. Đặc biệt năm nào lớp cũng có những em đạt “vở sạch chữ đẹp” vòng thị.
V. BÀI HỌC KINH NGHIỆM:
- Giáo viên dạy lớp 1 phải là những giáo viên thật sự yêu nghề, mến trẻ, phải biết kiên trì, nhẫn nại trong việc dạy dỗ các em thì mới đạt được kết quả cao.
- Giáo viên phải nắm vững mục tiêu phân môn, mục tiêu từng bài học từ đó chuẩn bị tốt đồ dùng dạy học và lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với tình hình thực tế của lớp mình. Đặc biệt là với học sinh yếu, học sinh chưa qua mẫu giáo.
- Khi dạy đọc, viết giáo viên cần tạo cho học sinh tâm lí thoải mái, vui vẻ như vậy các em sẽ hứng thú học và tiếp thu bài nhanh hơn.
- Giáo viên cần luôn nghiên cứu tài liệu tham khảo và học hỏi ở đồng nghiệp để nâng cao chất lượng giảng dạy.
- Thường xuyên phối hợp với gia đình học sinh để cùng giúp các em học tập tốt hơn.
- Chuẩn bị đồ dùng hợp lí, phù hợp với nội dung bài , đồng thời đồ dùng yêu cầu phải đẹp, sinh động, hấp dẫn, thu hút được sự chú ý của học sinh.
Trên đây là một số kinh nghiệm giúp học sinh chưa qua mẫu giáo trong việc học âm - vần, chắc chắn sẽ không khỏi những thiếu sót. Rất mong được quý thầy, cô đóng góp để giúp tôi giảng dạy được tốt hơn.
Nhà Mát, ngày 1 tháng 10 năm 2009
Người thực hiện:
Nguyễn Thị Mai
File đính kèm:
- SKKN HOC VAN LOP 1.doc